Từ khi biết dòng máu trong cơ thể mình là dòng máu hiếm đặc biệt, đại úy Lê Hoàng Phong (33 tuổi ) - Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Cần Thơ có thêm một sứ mệnh khác: Sứ mệnh cứu người có cùng dòng máu hiếm.

Chuyện về viên đại úy công an có dòng máu hiếm

Nguyên Việt | 06/02/2020, 08:35

Từ khi biết dòng máu trong cơ thể mình là dòng máu hiếm đặc biệt, đại úy Lê Hoàng Phong (33 tuổi ) - Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Cần Thơ có thêm một sứ mệnh khác: Sứ mệnh cứu người có cùng dòng máu hiếm.

Theo ước tính, cả nước có khoảng 0,07% dân số mang trong mình dòng máu hiếm Rh-, nghĩa là trong 10.000 người thì có khoảng 7 người thuộc nhóm máu này. Đại úy Lê Hoàng Phong là 1 trong số những người hiếm hoi đó. Hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng dòng máu mình mang, hơn chục năm qua anh Phong luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận những cuộc gọi “bất thình lình” kêu gọi đi hiến máu cứu người.

Từ người sợ kim tiêm đến hơn 40 lần hiến máu cứu người

Anh Phong xuất thân trong gia đình có truyền thống trong ngành công an, với mẹ và anh trai đều công tác trong ngành. Những lần về sum họp gia đình, ăn cơm cùng bố mẹ, anh Phong thường nghe kể lại giây phút mình chào đời. Đó là ký ức khó quên đối với anh cho đến tận bây giờ, bởi qua câu chuyện đó anh biết mẹ mình từng chết đi sống lại vì xung khắc với máu của anh. Đây là sự cố xảy ra khi mẹ hoặc con mang đồng máu hiếm Rh-. Sự cố này rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến những trường hợp xấu như sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc đứa trẻ sinh ra nhưng bị thiểu năng trí tuệ.

Khi còn là sinh viên, anh Phong đã nhận ra lợi ích, ý nghĩa cao cả của việc hiến máu nên luôn luôn tiên phong mỗi khi phong trào được phát động. Tốt nghiệp ra trường, anh Phong về nhận công tác tại Công an TP.Cần Thơ. Việc hiến máu của anh Phong vẫn đi cùng năm tháng. Trong suốt hàng chục lần hiến máu cứu người của mình anh Phong luôn ghi nhớ từng trường hợp cụ thể. Bởi đó là những lần mạng sống của người cần máu luôn đặt trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc.

Đại úy Lê Hoàng Phong trong 1 lần hiến máu cứu người - Ảnh: Thanh Phan

10 năm trước, anh Phong tham gia Câu lạc bộ (CLB) máu hiếm khu vực Tây Nam Bộ. CLB này ra đời từ năm 2016, với mong muốn quy tụ các thành viên cùng nhau sinh hoạt để nâng cao kiến thức về nhóm máu, đồng thời có thể chia sẻ máu với nhau khi cần. Anh kể, thưở nhỏ, anh sợ nhất là bị tiêm, nỗi sợ này theo anh cho đến khi trưởng thành.

“Mỗi lần nghĩ đến chuyện có cây kim chích vô tay mình là tôi rùng mình, xanh mặt”, anh kể. Vậy mà từ khi biết mình sở hữu dòng máu hiếm, anh Phong đã quên đi nỗi sợ hãi đó để hiến máu đều đặn và trong những trường hợp cấp bách, chỉ cần bệnh viện gọi điện, anh sẵn sàng có mặt để hiến máu cứu người.

Anh Phong cho biết thêm, không chỉ là máu hiếm, mà máu bình thường bao giờ trong ngân hàng máu cũng thiếu. Do vậy, anh tự ý thức đủ ngày tháng là anh đến bệnh viện cho máu. Ngoài việc hiến máu định kỳ, anh Phong còn hiến cho những ca cấp cứu, giành lại sự sống cho những người chưa từng quen biết trước “lưỡi hái tử thần”.

Giữa lằn ranh sống - chết

Có mộtkỷ niệm làm anh nhớ mãi, đó là trong một lần đang làm việc trong đơn vị, thì bác sĩ bệnh viện gọi đến hỏi anh đang ở đâu. Theo bác sĩ, đang có 1 bệnh nhân lâm nguy kịch, nếu không có đủ máu người này khó có thể qua khỏi. Số điện thoại của anh, nhiều y - bác sĩ ở Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, lưu cẩn thận, vì xác định anh là người có máu hiếm và hăng hái hiến máu. Xác định việc hiến máu là tự nguyện nên anh Phong liền báo với cơ quan để được nghỉ sớm đi cứu người.

“Thường trường hợp cấp cứu là những người đang trong quá trình mang thai hoặc lúc sinh con. Do nhóm máu người mẹ và con xung khắc nhau nên khi xảy ra sự cố cần lượng máu lớn để truyền vào. Ngoài ra có những trường hợp bị tai nạn giao thông”, anh Phong kể và cho biết, đó là phần lớn trường hợp anh cho máu.

12 năm công tác tại Công an TP.Cần Thơ, anh Phong đã hiến máu hơn 40 lần. Mỗi lần như thế đều diễn ra trong những thời khắc khác nhau, hoàn cảnh cũng vô cùng đặc biệt. Anh kể thêm, cách nay 2 năm, anh đang trực ở cơ quan cùng đồng nghiệp. Lúc này gần 2 giờ sáng, thì 1 nữ y tá gọi điện cho anh với giọng căng thẳng: “Anh ơi! Mộtthai phụ mang dòng máu hiếm đang cấp cứu và cần truyền máu. Anh có thể đến bệnh viện cho máu ngay được không?”. Không cần suy nghĩ, anh Phong trả lời: “Tôi sẽ chạy xe đến ngay”. Sau những lần cho máu, điều anh trông chờ nhất là được bác sĩ thông báo người nhận máu đã bình an vô sự. Anh lại mỉm cười và trở về nhà của mình.

Một lần khác, do được cơ quan phân công công tác ở huyện nên anh phải điều khiển xe máy đi làm lúc 5 giờ sáng. Sau 1 ngày “cháy hết mình” với công việc, anh muốn về nhà nghỉ ngơi để bù lại sức. Xe chưa tới nhà, anh Phong nhận được điện thoại của bệnh viện. Cũng như bao lần trước, đấy lại là “lời mời” hiến máu cứu người. Anh lại gạt đi sự mệt mỏi để chạy về hướng bệnh viện.

Với người có nhóm máu hiếm, xác suất tìm máu truyền cùng nhóm rất khó. Vì thế có những hôm bận rộn, đang ngủ nhưng khi nhận được điện thoại, nghĩ đến bệnh nhân đang nguy kịch vì thiếu máu nên dù có khó khăn nhưng thế nào anh vẫn đến bệnh viện cho máu. “Cứu được người khác hạnh phúc lắm!”, anh Phong bày tỏ.

Từ mộtngười sợ kim tiêm, nay việc hiến máu của anh Phong đã trở nên quen thuộc với các bác sĩ, thành viên trong CLB hiến máu. Xuất phát từ bản thân minh, anh Phong mong muốn lan toả việc hiến máu cứu người này đến với tất cả mọi người, không chỉ với những người có nhóm máu hiếm mà còn là những người thuộc nhóm máu khác. Từng được anh Phong cho máu, mộtphụ nữ ở Cần Thơ xúc động nói: “Khi tôi đang ở ranh giới giữa sống và chết thì được những người xa lạ cứu giúp. Tôi đã hồi sinh và luôn nhớ ơn họ. Lần nữa xin cảm ơn anh Phong và bệnh viện”.

Hiện nay, CLB hiến máu khu vực Tây Nam Bộ có gần 400 thành viên. Tuy nhiên, số thành viên có thể liên lạc chiếm không tới 50%, bởi nhiều thành viên thay đổi số điện thoại, nơi ở mà không thông báo cho CLB hay Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Do vậy nên khi tập trung sinh hoạt hoặc có bệnh nhân cần truyền máu thì không liên hệ được. Đây là một khó khăn thực sự cho những bệnh nhân thiếu máu trong tình trạng nguy kịch. Hiểu được thực trạng đó, trong những mối quan hệ của mình, anh Phong luôn động viên bạn bè, đồng nghiệp đi hiến máu định kỳ.

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhóm máu có tỉ lệ như sau: nhóm máu O chiếm 42,1%, nhóm máu B chiếm khoảng 30,1%, nhóm máu A chiếm khoảng 21,2%, và nhóm máu AB chiếm khoảng 6,6%. Ở Việt Nam, nhóm máu Rh- chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng từ 0,04% - 0,07% dân số, nên nhóm máu Rh- được gọi là nhóm máu hiếm. Dựa theo tỉ lệ nhóm máu và Rh, thì nhóm máu AB Rh- sẽ là nhóm máu hiếm nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa theo quy luật cho nhận, thì nhóm máu O Rh- sẽ gặp nhiều rủi ro nhất vì chỉ nhận được từ nhóm máu O Rh-.

Thanh Phan
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
37 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về viên đại úy công an có dòng máu hiếm