CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1 và 6,46% theo kịch bản 2.

CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021

Lam Thanh | 15/01/2021, 15:00

CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1 và 6,46% theo kịch bản 2.

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững" do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Úc hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức ngày 15.1, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, CIEM đã đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.

kinh-te.jpg
2 kịch bản cho tăng trưởng năm 2021

Cụ thể, kịch bản thứ nhất đặt ra bối cảnh GDP của thế giới đạt tăng trưởng 4%/năm và chỉ số giá của Mỹ tăng 1,924%; giá hàng nông sản xuất khẩu tăng khoảng 12,6%, giá dầu thô thế giới tăng 11,4%.

Trong nước, tỷ giá VNĐ/USD của ngân hàng thương mại giảm 0,5%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% và dư nợ tín dụng tăng 12%... Bên cạnh đó, vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 2% so với năm 2020 và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức 420.000 tit đồng.

Kịch bản thứ hai giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản một, đồng thời có điều chỉnh về giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 15%, giá dầu thô thế giới tăng 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14%, tín dụng tăng 13%, vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 5% và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức 477.300 tỉ đồng.

Theo đó, dự báo cho trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản một và 6,46% trong kịch bản hai. Theo hai kịch bản, lần lượt xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% và tăng 5,06%. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỉ USD và 7,24 tỉ USD, đồng thời lạm phát bình quân năm lần lượt đạt 3,51% và 3,78%, ông Nguyễn Anh Dương cho biết.

CIEM cũng nêu ra một số yếu có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2021 như kinh tế thế giới còn rất bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu. Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục các biện pháp để kiềm chế Trung Quốc về kinh tế - thương mại – công nghệ và có thể củng cố được liên minh với một số nước đối tác để thực hiện các biện pháp này.

Bên cạnh đó, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với Việt Nam.

Cùng với đó, dịch COVID-19 và các biến thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo. Hệ lụy kèm theo là gia tăng chi phí logistics với hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.

Một điểm nữa là việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.

Cũng theo CIEM, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam; khả năng duy trì các cải cách thực chất với môi trường đầu tư – kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Song song đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước; Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ khi tham gia các hiệp định thương mại tự do…

Với những yếu tố nêu trên, các chuyên gia của CIEM khuyến nghị tiếp tục cải thiện nền tảng kinh tế vi mô, đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh "bình thường mới".

Cũng theo CIEM, trong các năm tiếp theo, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn diễn ra sâu rộng. Việt Nam đã thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng như CPTPP, EVFTA và sẽ cần nhiều nỗ lực để nghiên cứu định hướng cũng như thời điểm phê chuẩn RCEP.
Hơn nữa, việc thúc đẩy vai trò của ASEAN trong bối cảnh mới, gắn với các sáng kiến mang tính cạnh tranh giữa các siêu cường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dịch chuyển dòng vốn FD. Đây là một yêu cầu quan trọng và không dễ dàng.

Do đó, CIEM kiến nghị các cấp quản lý và điều hành chính sách nhìn nhận quá trình hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đi kèm với việc cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn lực mà còn phải chủ động thực hiện các cam kết sâu rộng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư (kể cả sau đường biên giới), hướng tới một luật chơi chung có chất lượng, nhất quán và thân thiện với doanh nghiệp sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các cải cách nền tảng kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thể tin vào tiềm năng của Việt Nam trong quá trình hội nhập, song các tiềm năng ấy chỉ trở thành triển vọng và hiện thực hóa trong một môi trường chính sách phù hợp.

Do vậy, môi trường chính sách phải gắn với những thay đổi rõ ràng, nhất quán, phù hợp với các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự thân thiện, khích lệ và nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung giai đoạn 2016 -2020. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng với khả năng phục hồi và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như hiện nay, tăng trưởng của năm 2021 có thể cao hơn chỉ tiêu đề ra, quanh mức 6,8-7,2%.

Cũng theo chuyên gia này, với các mục tiêu khác như GDP bình quân đầu người đạt từ 4.700 - 5.000 USD thì cần phải có nhiều sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Hiện nay với quy mô ngày càng lớn của GDP, mức tăng trưởng từ 6,5 - 7% cần sự nỗ lực rất lớn.

Bài liên quan
Tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới
Chiều 27.12, Tổng cục Thống kê (TCTK) họp báo công bố số liệu kinh tế – xã hội quý 4 và năm 2020, trong đó GDP ước tăng 4,48%, thuộc nhóm cao nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021