Trong năm 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ”– áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết.

Vẫn còn “tư duy cũ”, “khắt khe quá mức” trong hoạch định chính sách

Lam Thanh | 12/01/2021, 13:16

Trong năm 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ”– áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết.

Trong báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 công bố ngày 12.1.2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định tư duy cũ vẫn thấp thoáng trong hoạt động hoạch định chính sách.

giay-phep.jpg
Phát sinh thêm giấy phép con mới

Tư duy cũ vẫn thấp thoáng

Theo VCCI, trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thúc đẩy môi trường kinh doanh, đặc biệt liên quan đến cải cách thể chế. Nhưng điều này không có nghĩa là các chính sách hiện tại đã hoàn hảo.

Trong năm 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ”– áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết; chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp dân doanh hoạt động hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ chế quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động.

Cơ chế này có thể là hợp lý, bởi vì đối tượng cần quản lý ở đây là từng hoạt động/sự kiện nghệ thuật cụ thể (chương trình biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, thời trang) – xem xét các hoạt động này có nội dung vi phạm các chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục hay không?

Nhưng cuối năm 2019, đầu năm 2020, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP đã được soạn thảo, trong đó đã thay đổi cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh này.

Theo đó, bên cạnh cơ chế quản lý theo hoạt động như hiện tại, dự thảo đã bổ sung thêm cơ chế quản lý theo chủ thể kinh doanh bằng cách bổ sung thêm quy định về điều kiện kinh doanh của các chủ thể cung cấp dịch vụ này.

“Biện pháp quản lý này là chặt chẽ quá mức cần thiết. Như đã nêu ở trên, đối tượng cần quản lý trong hoạt động kinh doanh này chính là các hoạt động/sự kiện nghệ thuật. Và các đối tượng này đã được kiểm soát thông qua giấy phép được cấp cho từng hoạt động/sự kiện. Như vậy, nguy cơ có thể tác động đến các lợi ích công cộng đã được kiểm soát một cách tuyệt đối.

Do đó, đặt ra điều kiện đối với chủ thể cung cấp dịch vụ là không phục vụ gì cho mục tiêu quản lý và đây là biện pháp quản lý chưa hợp lý và sẽ tạo rào cản đáng kể cho các chủ thể muốn kinh doanh trong lĩnh vực này”, VCCI nhìn nhận.

Xuất hiện “giấy phép con” mới

Cũng như nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người mẫu, lĩnh vực thẩm định giá cũng dự kiến bổ sung thêm điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá và bổ sung về nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP được soạn thảo cuối 2019 và trong năm 2020.

Dự thảo đã bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc yổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá (yêu cầu về số năm kinh nghiệm và số lượng tối thiểu bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá đã ký) với mục đích là “đảm bảo chất lượng của dịch vụ cung cấp”, “hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp thẩm định giá”.

VCCI cho rằng việc bổ sung thêm điều kiện cho người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá là chưa phù hợp với Luật Giá về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá.

Thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư – việc ban hành điều kiện kinh doanh cho ngành nghề này là phù hợp, tuy nhiên những điều kiện kinh doanh thể hiện cụ thể như thế nào tại Nghị định phải phù hợp với Luật Giá. Do đó, tính pháp lý của quy định này cần được xem xét lại.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đang có xu hướng thắt chặt hơn biện pháp quản lÝ đối với hoạt động kinh doanh vận tải.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ bổ sung thêm một điều kiện khá quan trọng đó là lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe thì phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

“Đây là một loại giấy phép mới và có nguy cơ tăng thủ tục xin – cho không cần thiết và trùng lặp về mục tiêu quản lý. Việc người lái xe đã có “giấy phép lái xe” có nghĩa là Nhà nước đã kiểm tra và xác nhận người đó có đủ khả năng lái xe an toàn đối với loại phương tiện tương ứng.

Do đó, yêu cầu người lái xe vừa có “giấy phép lái xe” vừa có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” tạo ra gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và hoặc doanh nghiệp khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép cho một mục tiêu tương tự nhau”, VCCI nêu.

Tóm lại, VCCI cho rằng trong xu hướng cải cách về các điều kiện kinh doanh, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, thì những chính sách đang được soạn thảo và hoặc ban hành trên dường như đang đi ngược lại các mục tiêu mà Chính phủ đang theo đuổi.

Can thiệp vào thị trường

VCCI cũng nêu, trong năm 2020, biện pháp quản lý có tính chất can thiệp vào thị trường vẫn còn “thấp thoáng” trong một số văn bản được soạn thảo.

Cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT quy định: trước ít nhất 5 ngày làm việc khi thực hiện theo giá cước kê khai, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phải gửi văn bản kê khai giá cước tới Sở GTVT nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc chi nhánh hạch toán độc lập. Sở GTVT sẽ tiến hành rà soát văn bản kê khai giá và yêu cầu doanh nghiệp giải trình nếu các nội dung tại văn bản kê khai giá chưa rõ ràng về lý do điều chỉnh giá cước.

Đây được xem là biện pháp quản lý can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về giá.

Theo quy định của Luật Giá thì dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi không thuộc nhóm dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Nhà nước định giá – những loại dịch vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá trong một số trường hợp nhất định.

Mặt khác, hoạt động kinh doanh vận tải theo tuyết cố định, taxi đang có thị trường cạnh tranh, vì vậy xếp nhóm này vào lĩnh vực phải thực hiện thủ tục để phục vụ cho quản lý giá dường như chưa thật hợp lý.

Bài liên quan
Mạnh tay triệt giấy phép con
Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất loại bỏ thêm 76 ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp người dân, doanh nghiệp cởi trói được giấy phép con và thuận lợi hơn trong đầu tư, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: Tháo gỡ đến cùng các vấn đề pháp lý doanh nghiệp gặp phải
12 phút trước Theo dòng thời sự
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành và cùng cộng đồng doanh nghiệp "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn còn “tư duy cũ”, “khắt khe quá mức” trong hoạch định chính sách