Đài CNN chỉ ra, khi Nga bị đòn trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc đã giúp đỡ nền kinh tế quốc gia này bằng 3 cách.

CNN chỉ ra cách Trung Quốc giúp đỡ Nga về kinh tế

Cẩm Bình | 24/02/2023, 15:30

Đài CNN chỉ ra, khi Nga bị đòn trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc đã giúp đỡ nền kinh tế quốc gia này bằng 3 cách.

Từ đầu năm ngoái, Nga bắt đầu phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc chiến tại Ukraine.

Nền kinh tế Nga khi đó bị cô lập, nhưng Trung Quốc - với “tình bạn không giới hạn” - lập tức ra tay hỗ trợ Nga giảm bớt tác động từ trừng phạt.

Mua năng lượng Nga

Phương Tây ban hành lệnh cấm mua dầu và áp giá trần với dầu thô Nga, loại Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), đóng băng tài sản ở nước ngoài của ngân hàng trung ương Nga – tất cả đều nhằm mục đích làm suy yếu khả năng tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine.

Trừng phạt phát huy tác dụng: Ngân hàng Thế giới (WB) xác định kinh tế Nga năm 2022 sụt giảm 4,5%. Nhưng chính phủ Nga cho biết, doanh thu tài chính của nước này đã tăng lên, chủ yếu nhờ giá năng lượng cao và nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang quốc gia sẵn lòng mua hàng như Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Neil Thomas (Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group): “Trung Quốc hỗ trợ cuộc chiến Nga phát động về mặt kinh tế theo cách tăng cường thương mại với Nga, làm suy yếu nỗ lực trừng phạt của phương Tây”. Ông nhận định, Bắc Kinh cũng nhân dịp này, tận dụng tình trạng Nga bị cô lập để có được năng lượng giá rẻ, công nghệ quân sự tiên tiến và sự ủng hộ về ngoại giao.

Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch thương mại Trung - Nga năm 2022 tăng 30%, đạt mức kỷ lục 190 tỉ USD. Đặc biệt giao thương năng lượng tăng lên rõ rệt kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.

Giai đoạn tháng 3 đến tháng 12.2022, Trung Quốc mua 50,6 tỉ USD dầu thô Nga – tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu than tăng 54%, lên 10 tỉ USD; nhập khẩu khí đốt tăng vọt 155% lên 9,6 tỉ USD.

Đây là quan hệ "đôi bên cùng có lợi": Nga rất cần khách hàng mới giúp tiêu thụ lượng nhiên liệu hóa thạch bị phương Tây xa lánh, Trung Quốc rất cần năng lượng giá rẻ phục vụ ngành sản xuất khổng lồ.

Hai nước đang có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác. Công ty dầu khí nhà nước Gazprom cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt cho quốc gia châu Á trong 25 năm tới.

Theo phó giáo sư Anna Kireeva (Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế Moscow): “Khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023, chúng ta có thể thấy xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc gia tăng hơn nữa”.

cachina.jpg
Trung Quốc nhập lượng lớn năng lượng giá rẻ từ Nga - Ảnh: CNN

Thay thế nguồn cung phương Tây

Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) xác định, Nga chi hàng tỉ USD mua máy móc, thiết bị điện tử, kim loại cơ bản, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc.

Nhà phân tích Thomas cho biết: “Mặc dù Trung Quốc tránh trực tiếp hỗ trợ cuộc chiến, nhưng quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển vì Bắc Kinh rất biết nắm bắt cơ hội. Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm đến Nga vì những gì Nga có thể làm cho Trung Quốc.

Nga cần tìm sản phẩm thay thế cho hàng nhập khẩu từ phương Tây và như vậy, Trung Quốc không gặp phải cạnh tranh từ bất cứ quốc gia sản xuất lớn nào khác.

Số liệu từ công ty nghiên cứu Autostat cho thấy, trong 1 năm sau khi các thương hiệu phương Tây rời khỏi Nga, thị phần của loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc như Havel, Chery, Geely liền tăng 10 - 38% (có khả năng tăng thêm vào năm nay).

Ở lĩnh vực điện tử tiêu dùng, số liệu từ công ty nghiên cứu Counterpoint cũng chỉ ra thị phần điện thoại thông minh Trung Quốc tăng từ 40% cuối năm 2021 lên 95%.

Giao thương bằng đồng Nhân dân tệ thay vì USD 

Nhiều doanh nghiệp Nga chuyển sang dùng Nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho giao thương với Trung Quốc. Các ngân hàng Nga cũng tiến hành nhiều giao dịch bằng Nhân dân tệ hơn nhằm bảo vệ mình khỏi rủi ro bị trừng phạt, theo phó giáo sư Kireeva.

Sở Giao dịch Moscow cho biết, tỷ lệ Nhân dân tệ trên thị trường ngoại tệ Nga tăng từ dưới 1% tháng 1.2022 lên 48% vào tháng 11.2022. SWIFT cũng xác định, vào tháng 7 năm ngoái, Nga đã trở thành trung tâm giao dịch Nhân dân tệ ở nước ngoài lớn thứ 3 sau Hồng Kông và Anh.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Tài chính Nga tăng tỷ lệ dự trữ Nhân dân tệ trong quỹ đầu tư quốc gia lên 60%. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nói rằng, nước này trong năm 2023 sẽ chỉ mua Nhân dân tệ bổ sung quỹ đầu tư quốc gia.

“Trong số tất cả ngoại tệ mà Ngân hàng trung ương Nga đang dự trữ, chỉ có Nhân dân tệ không bị đóng băng và vẫn là đồng tiền thân thiện. Chúng ta có thể chứng kiến xu hướng thoát USD mạnh hơn nữa trong giao thương của Nga”, phó giáo sư Kireeva nhận định.

Với nhiều dự trữ Nhân dân tệ hơn, Nga có thể dùng đồng tiền này giữ cho đồng ruble cùng thị trường tài chính ổn định.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Nga - Trung không phải luôn thuận lợi.

Tờ Kommersant đưa tin, hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc đã ngừng chấp nhận thẻ do ngân hàng Nga phát hành vì lo ngại các lệnh trừng phạt.

Phó giáo sư Kireeva cũng cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc lớn cũng lo ngại trừng phạt thứ cấp nên rất thận trọng trong giao dịch với đối tác Nga.

Bài liên quan
Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CNN chỉ ra cách Trung Quốc giúp đỡ Nga về kinh tế