Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Tổng thống Vladimir Putin tạm ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân New START là "sai lầm lớn".
"Đây là sai lầm rất lớn, hành động rất thiếu trách nhiệm, nhưng tôi không cho rằng đây là dấu hiệu Tổng thống Vladimir Putin đang xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 22.2.
Phát biểu được Tổng thống Biden đưa ra sau khi tham gia cuộc họp với các lãnh đạo NATO, đề cập Nga quyết định đình chỉ thi hành Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được người đồng cấp Nga công bố hôm 21.2.
Hôm 21.2, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Putin cho biết quyết định tạm ngừng thi hành hiệp ước New START. Ông cũng cáo buộc Mỹ "đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới", đồng thời cảnh báo rằng nếu Washington tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới thì Moscow cũng sẽ làm như thế.
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn trên rằng liệu việc Nga tạm dừng New START có khiến thế giới kém an toàn hơn hay không, Tổng thống Biden trả lời: "Tôi nghĩ chúng ta kém an toàn hơn khi từ bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí vốn rất có lợi cho cả hai bên và cho thế giới". Tuy nhiên, Tổng thống Biden nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy sự thay đổi trong quan điểm hạt nhân của Nga.
Việc Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước New START giữa lúc chiến tranh ở Ukraine leo thang làm dấy lên lo ngại nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn truyền thông, Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin khẳng định Nga sẽ không dùng vũ khí hủy diệt này trong chiến tranh ở Ukraine.
"Chúng tôi đã có học thuyết rất rõ ràng, mô tả chính xác tình huống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là khi Nga bị tấn công hạt nhân hay bị tấn công bằng các hình thức truyền thống đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga", nhà ngoại giao Kelin nói.
Đề cập đến quyết định tạm ngừng tham gia hiệp ước New START, ông Kelin nhấn mạnh Nga là bên tham gia có trách nhiệm và sẽ tiếp tục giới hạn đầu đạn hạt nhân.
Hiệp ước New START được Mỹ và Nga ký tại Prague (Czech) vào ngày 8.4.2010 và có hiệu lực từ năm 2011. Theo đó, hai bên cam kết hạn chế số đầu đạn hạt nhân được triển khai ở mức tối đa là 1.550, giảm gần 30% so với giới hạn được đặt ra vào năm 2002. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) ký với Nga.