Theo ông Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, Mỹ đã theo đuổi một chính sách hạt nhân "sai lầm" dẫn đến chiến tranh ở châu Âu.
“Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, Mỹ cùng với các quốc gia phương Tây đã khuyến khích Ukraine từ bỏ hạt nhân và các vũ khí khác để đổi lại cho việc đảm bảo an ninh và sự ổn định trong khu vực. Đó là một chính sách sai lầm khiến Nga hiểu sai và dẫn tới cuộc xung đột lớn ở châu Âu”, cố vấn Mikhail Podoliak viết trên Twitter hôm 26.4.
Ông Podoliak nhấn mạnh việc giành lại các vùng lãnh thổ của Ukraine bị chiếm giữ, tôn trọng luật pháp quốc tế, đưa các tội phạm chiến tranh ra trước công lý và kết nạp Ukraine vào NATO là "cách duy nhất để đảm bảo an ninh ở châu Âu hiện nay".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các thành viên lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ đề xuất đưa ra nghị quyết tái khẳng định quan điểm của Mỹ rằng Ukraine nên được "khôi phục lại các đường biên giới năm 1991 được quốc tế công nhận".
Dự thảo nghị quyết nêu rõ Mỹ "phải làm việc với các đồng minh và đối tác của mình" để đảm bảo Moscow bồi thường thiệt hại cho Ukraine cũng như thúc đẩy "sự hỗ trợ của cộng đồng thế giới trong việc tái thiết Ukraine" sau chiến tranh.
Theo Newsweek, nghị quyết trên được các hạ nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Joe Wilson (bang Nam Carolina) và hạ nghị sĩ Dân chủ Steve Cohen (bang Tennessee) khởi xướng. Mặc dù văn bản của nghị quyết này không được công khai nhưng chính phủ Ukraine dường như nắm được nội dung.
“Chúng ta không được lặp lại sai lầm của ngày 1 tháng 9 năm 1939”, ông Wilson nói với Yahoo News, đề cập đến thời điểm Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan và đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến 2 ở châu Âu.
Được biết, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Kyiv sở hữu một lượng lớn dự trữ vũ khí hạt nhân còn sót lại từ thời còn là thành viên của Liên Xô. Sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba thế giới trong thời gian ngắn.
Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó đã ký kết tuyên bố ba bên về giải trừ hạt nhân của Ukraine vào ngày 14.1.1994.
Tại hội nghị ở thủ đô Budapest của Hungary cuối năm 1994, các nước gồm Mỹ, Nga, Ukraine, Anh cũng đã ký một bản ghi nhớ đảm bảo an ninh liên quan tới Kyiv gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Luận điệu “vũ khi hạt nhân” đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Ukraine, với việc Điện Kremlin nhiều lần ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để phản đối các nước phương Tây cung cấp viện trợ khí tài cho Kyiv.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 25.4 đã cảnh báo các nước có thể đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới mới và nguy cơ đối đầu hạt nhân đang gia tăng. Theo cựu Tổng thống Nga, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các hành động gây hấn đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga.
Đầu tháng này, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nói trong một cuộc phỏng vấn rằng việc gây sức ép buộc Kyiv từ bỏ vũ khí hạt nhân là một sai lầm.
"Tôi cảm thấy có lỗi vì đã khiến Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nga sẽ không triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nếu Ukraine vẫn còn vũ khí của họ", ông Clinton nói với đài truyền hình RTE của Ireland.
Cựu Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi các nước phương Tây phải tiếp tục kiên định ủng hộ Ukraine. "Tôi nghĩ những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đang làm là rất sai lầm và tôi tin rằng châu Âu và Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ Kyiv", ông nói.