Bước đầu tiếp cận với chương trình Hồi phục 12 bước (twelve steps programe) dành cho người có sử dụng ma túy, tôi lập tức hiểu ngay giá trị về mặt hiệu quả mà chương trình đem đến như một món quà vô giá tặng gia đình những người mắc “chứng nghiện” mãn tính.

Con đường không trải bằng hoa hồng

Phúc Thiện - ctv anh Thanh | 25/09/2018, 11:07

Bước đầu tiếp cận với chương trình Hồi phục 12 bước (twelve steps programe) dành cho người có sử dụng ma túy, tôi lập tức hiểu ngay giá trị về mặt hiệu quả mà chương trình đem đến như một món quà vô giá tặng gia đình những người mắc “chứng nghiện” mãn tính.

Nói đến việc phục hồi của một căn bệnh, chúng ta không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của y học. Nhưng có những căn bệnh không thể chữa trị bằng những viên thuốc thông thường, mà đó là cả một quá trình dài vực dậy niềm tin mạnh mẽ của người bệnh, khôi phục lại những giá trị nhân phẩm đã vô tình bị bỏ quên từ khá lâu, mà cả người bệnh và gia đình họ vẫn đang mải miết tìm lại.

Đầu những năm 1990, ma túy (heroin) bắt đầu xuất hiện ở một số tỉnh thành lớn, và chỉ chưa đến 10 năm sau, “trắng” đã bắt đầu hoành hành ở hầu như tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời từ những cơ quan có thẩm quyền, hàng loạt các biện pháp phòng chống, ngăn chặn được nhanh chóng tuyên truyền, thực hiện. Các qui định quản lý, chế tài người nghiện được ban hành quyết liệt, nhưng việc giành giật lại những con người ấy vẫn là con đường dài thăm thẳm. Theo quan điểm khá mang tính chủ quan của tôi, những phương pháp ấy còn đang thiếu một yếu tố mang tính thiết yếu, đó là sự khôi phục lại giá trị nhân phẩm vốn có trong mỗi một bệnh nhân. Và đương nhiên, việc này cần sự hợp tác toàn diện của gia đình và bản thân người bệnh…

Bước đầu tiếp cận với chương trình Hồi phục 12 bước (twelve steps programe) dành cho người có sử dụng ma túy, tôi lập tức hiểu ngay giá trị về mặt hiệu quả mà chương trình đem đến như một món quà vô giá tặng gia đình những người mắc “chứng nghiện” mãn tính. Đa phần những người nghiện không chấp nhận thực tế rằng mình đang có bệnh và cần sự giúp đỡ chữa trị. Cái hay của chương trình là ngay từ bước đầu tiên đã hướng các thành viên tham gia hiểu và chấp nhận rằng bản thân mình đang bất lực và đang gánh những hệ lụy xấu từ “chứng nghiện”. Chỉ khi biết chấp nhận thực tế của bản thân mình, các thành viên mới mở lòng hơn với những bước điều trị hồi phục tiếp theo.

Mang tính khái quát cao, từng nấc thang trong các bước hồi phục giống như một con đường với đầy đủ những trải nghiệm, những kinh nghiệm của các lớp thành viên trước đã và đang tham gia chương trình. Dự thính một lớp học, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự cởi mở, chân thành của các thành viên tham gia, chia sẻ toàn bộ những suy nghĩ trong ngày và chẳng hề giấu giếm nhau điều gì. Lớp học có sức thu hút đáng kể, và tôi chợt khám phá ra, chính các thành viên đang tham gia chương trình lại là giáo án đầy đủ nhất mà người hướng dẫn đã khéo léo nắm bắt được. Bên cạnh đó, những bài học về Giá trị sống luôn được dạy xen kẽ với chương trình, để tạo ra một hiệu quả hoàn hảo nhất về nhân cách để các thành viên tham gia được khơi gợi để tự mình tìm lại được và tình nguyện noi theo. Khía cạnh nhân văn, tâm linh cũng là điều mà chương trình hướng tới để giúp các thành viên có một chỗ dựa tinh thần vào một niềm tin tín ngưỡng bất di bất dịch.

Tiếp xúc với một vài thành viên đang tham gia chương trình hồi phục 12 bước tại Trung tâm Tư vấn & Cai nghiện ma túy Làng Bình Minh, nơi duy nhất tại Việt Nam đang áp dụng phương pháp điều trị này, tôi nhận thấy những thành viên ấy biết họ đang thành công, đang tràn trề hy vọng về chính bản thân mình, đang thấy mình lại trở thành những công dân hữu ích của xã hội. Rất nhiều những đôi mắt hạnh phúc vì cuộc sống không còn lệ thuộc vào ma túy, rất nhiều những giọng nói sôi nổi, sẵn sàng tự kể về mình, để tự hào khẳng định về giá trị bản thân đang được lấy lại từng ngày, từng ngày…

Tôi hỏi một thành viên trong trung tâm:

- Bạn tham gia chương trình này bao lâu rồi?

- Dạ khoảng hơn 3 năm. Mà tính thời gian làm cái gì anh ơi, chương trình này để mình giữ sạch cả đời mà.

- Động lực nào khiến bạn tự nguyện tham gia chương trình?

- Mỗi người muốn từ bỏ ma túy đều có lý do riêng, nhưng hầu như đều có điểm chung là “oải” quá rồi anh. Ghiền rồi phải làm bậy làm bạ để có tiền chơi, chứ ba mẹ nào cho tiền chơi hoài đâu. Ai cũng vậy chứ đâu phải riêng gì em.

- Bạn có bị mặc cảm mang “chứng nghiện” không?

- Lúc đầu có chứ. Nhưng bây giờ đỡ nhiều lắm rồi, có thể nhắc đến “chứng nghiện” một cách thoải mái, bởi vì mình được trang bị đầy đủ kiến thức rồi anh.

- Chương trình 12 bước này có gì gò bó bạn không?

- Không hề, học mà như chơi vậy á, vấn đề là mình chịu kiên trì hay không thôi. Cái hay của “cái 12 bước này” khiến mình có lựa chọn đúng và được đứng vào hàng ngũ của những người không cho phép người khác sử dụng ma túy. Rồi dần dần, việc không cho phép chính bản thân mình tái sử dụng ma túy sẽ là điều đương nhiên.

- Bạn đã quen với công tác bảo vệ tại trung tâm chưa?

- Dạ chỉ có người nghiện mới thật sự hiểu người nghiện, nên em coi đó cũng là một cách giúp đỡ những anh em nghiện khác, giúp họ tự mở ra một con đường rất mới cho cuộc đời của họ.

- Bạn ở lâu không thì được nhận xét, đánh giá, và được thử thách?

- Dạ 9 tháng - 12 tháng sinh hoạt, học tập, 3 tháng thử thách rồi làm việc thực thụ, khỏi ăn chơi lêu lổng, lại có công ăn việc làm nữa. Được trung tâm cho đi học Thiền và Giá trị sống chuyên sâu, con người em bây giờ hiền lành hẳn, nói năng cũng nhỏ nhẹ đàng hoàng, có kiến thức và hiểu biết hơn hồi đó nhiều.

- Hay quá, chắc ba mẹ bạn mừng lắm hả? Mà vậy coi như là bạn đã bỏ hẳn được ma túy chưa? Có sợ “té lại” không?

- Mãn tính mà anh, đến bây giờ em vẫn chưa biết khi nào em “té lại”, nên em luôn luôn phải đề phòng. Còn ba mẹ em thì khỏi nói, ổng bả vui lắm, nhà bây giờ lúc nào cũng như Tết. Mấy đứa em không còn hay nghi ngờ em nữa, lại còn hay hỏi thăm em đủ tiền xài không, thiếu thì nói tụi nó, khác hẳn hồi xưa…

Lúc này, tôi mới thấy chút giãn ra trên gương mặt người bạn trẻ, khi trải lòng về gia đình mình với vẻ tự hào không thể dấu.

- Còn nhiều các bạn tham gia chương trình này trưởng thành được như bạn không?

- Dạ nhiều anh, họ lớp thì làm việc tại trung tâm, lớp thì tái hòa nhập xã hội, nhưng vẫn giữ liên lạc với tất cả các anh em trưởng thành khác và với trung tâm, phòng khi tư tưởng dao động thì có các bạn tư vấn hỗ trợ tinh thần ngay. Thực ra, những suy nghĩ khiến mình dao động tinh thần chỉ dồn dập khoảng 10 - 15 phút, qua được là qua luôn, người nhẹ nhàng hẳn.

Trò chuyện với ông Lại Văn Anh – Giám đốc Trung tâm làng Bình Minh, người mạnh dạn áp dụng chương trình Hồi phục 12 bước và chương trình Giá trị sống vào ngay sau giai đoạn Cắt cơn - Giải độc, điều mà chưa đâu thực hiện, tôi hiểu được nhiều hơn về tấm lòng của một người đã khá lâu năm làm công tác cai nghiện. Ông khẳng định:

- Phải có lòng tin vào những việc mình đang làm anh ạ, và cố gắng tạo ra điều gì đó khác hơn so với những phương pháp thông thường, vì tôi đã nhìn thấy quá nhiều sự thất bại. Vẫn còn vô cùng ít người biết về giá trị thực sự của quá trình hồi phục 12 bước đang được áp dụng tại đây. Các học viên được trang bị khá đầy đủ để tự tạo cho mình một phản vệ có điều kiện trước ma túy. Và cái được đầu tiên chính là được cho bản thân các em. Rất nhiều trường hợp, bộ phận tư vấn chúng tôi phải đến tận nhà khuyên nhủ các em tự nguyện cai nghiện. Nếu các em đồng ý cai nghiện, kể như chúng tôi đã thắng một nửa, đã thấy thành công một nửa trong quá trình giành giật lại nhân cách cho một con người.

Cái tâm thầm lặng của ông - một người ăn chay trường, học chuyên sâu về Giá trị sống, nghiên cứu về Thiền học, đã đem những điều học được chuyển tải vào bài giảng cho học viên theo cách dễ hiểu nhất, thực tế nhất, và dễ ứng dụng nhất.

Cũng theo lời ông Lại Văn Thắng – Trưởng phòng tư vấn: Cái vui nhất là khi thấy một thành viên của chương trình trưởng thành tại trung tâm, hoặc ngoài xã hội. “À, người này có xuất phát điểm từ Bình Minh ra đây, là quân Bình Minh đây, vậy là có thêm một người đang thoát khỏi sự kìm tỏa của ma túy”.

Tôi thắc mắc tại sao ông lại dùng từ “đang” mà không phải từ “đã” … Ông trả lời rất thật, rằng đã mắc “chứng nghiện”, thì phải cẩn trọng giữ sạch cả đời, bởi bất cứ lúc nào cũng có thể tái nghiện, và ông mong sao được tư nhủ điều này thường xuyên hơn, khi bất chợt gặp một bạn nào đang trưởng thành ngoài xã hội. Ông rất tâm đắc với câu nói của các chuyên gia Mỹ về công tác cai nghiện: “Being clean is easy, but staying clean is very difficult” (rất dễ dàng để sạch, nhưng vô cùng khó để giữ sạch).

- Cái tên Bình Minh ra đời từ năm 2002 cũng đã cô đọng được mong muốn và giá trị của chúng tôi, và là một phần rất quan trọng được các học viên nhắc đi nhắc lại mỗi ngày: “Tôi xin hứa sẽ giữ trong sạch trong 24h”. Chúng tôi muốn tạo ra một thói quen, một phản xạ có điều kiện cho các học viên tự nhủ với chính bản thân mình mỗi buổi sáng. Khi nào các em học viên hiểu rằng, chính các em chứ không phải ai khác, đang tạo ra một Bình Minh cho chính bản thân mình, thì khi ấy, chúng tôi thành công.

Anh Thắng nói thêm: Trong trung tâm có nhiều bạn có HIV dương tính, nhưng uống ARV đều và có một cuộc sống bình thường, do ARV duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Những người có H+ mà còn kiên quyết từ bỏ ma túy, thì hà cớ gì những bạn chưa dương tính với HIV lại không muốn làm lại cuộc đời.

Ông bật cười, nói thêm:

- Anh biết vì sao bao nhiêu năm nay, mà vẫn rất ít người biết về chúng tôi không? Vì chúng tôi không chủ trươngtruyền thông nhiều, mặc dù không phải vừa làm vừa thử nghiệm phương pháp “Hồi phục 12 bước”. Chúng tôi không kinh doanh để kiếm tiền. Chúng tôi thu tiền để duy trì cuộc sống cho những con người đang cùng chúng tôi chiến đấu, để trả lương cho chính các thành viên đã trưởng thành đang làm việctại trung tâm.

Bước ra khuôn viên của trung tâm, lướt qua một cuộc họp nhanh của đội ngũ bảo vệ, tôi thấy gương mặt họ dường như đã không còn dấu tích của những cuộc ăn chơi sa ngã, mà thay vào đó, là những ánh mắt nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, rất sẵn sàng nâng đỡ và truyền dạy cho lớp kế cận.

Bắt tay những con người đã và đang dạn dầy kinh nghiệm với “chứng nghiện”, tôi chứng kiến đội ngũ tư vấn đang làm việc với gia đình một học viên với thái độ nhẹ nhàng. Không ai có thể biết rằng, họ từng bị phụ thuộc vào ma túy, nhưng hoàn toàn không hề e ngại người khác biết về điều đó. Họ hay nói đùa: “Hãy xem đó là một trải nghiệm gian nan trong cuộc sống, mà khi vượt qua được, con người ta sẽ thấy mình giá trị hơn, sẽ nghiêm túc hơn với cuộc đời mình và sẵn sàng hơn chìa tay ra với những cuộc đời muốn làm lại”.

Như tôi đã nói, đó chính là con đường giá trị nhân văn mà tôi cảm nhận được một cách sâu sắc về lối đi và hiệu quả thầm lặng của chương trình “Hồi phục 12 bước”. Có thể xem đây là một cứu cánh, gieo niềm hy vọng cho gia đình và bản thân “người nghiện”, như một ngọn nến nhỏ trong đêm, như tiếng gà gáy sáng báo buổi bình minh cho một trang cuộc đời mới.

Ai thích hoa hồng trải lối đi? Gian nan, trần ai và vất vả lắm, chẳng chơi đâu. Bởi vì ngay trong cái hào nhoáng lộng lẫy của cành hoa hồng, là đầy gai.

Phúc Thiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
một giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con đường không trải bằng hoa hồng