Ngành hàng không là "con mồi" ưa thích của các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) vì chúng không mất nhiều nỗ lực để gieo sợ hãi khắp thế giới.

“Con mồi” ưa thích của khủng bố: ngành hàng không

Một Thế Giới | 24/03/2016, 18:13

Ngành hàng không là "con mồi" ưa thích của các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) vì chúng không mất nhiều nỗ lực để gieo sợ hãi khắp thế giới.

Chiến lược này của quân khủng bố cũng là một cách tuyên truyền hiệu quả về một vụ tấn công, như vụ ở Brussels (Bỉ) hôm 22.3. Việc tấn công ngành hàng không sẽ khiến nhiều người trên thế giới lo sợ cho người thân hoặc đồng nghiệp của mình trở thành nạn nhân.
Tiễn người thân đi máy bay có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn khủng bố

Ngành hàng không là "con mồi" ưa thích của các nhóm khủng bố, vì sân bay tại các thành phố lớn, nhất là ở châu Âu, là nơi tập trung đông các chính khách, du khách và doanh nhân. Brussels càng có khả năng đó từ khi thành phố này có trụ sở của EU và NATO. Trong số các nạn nhân ở sân bay có một sĩ quan không quân Mỹ cùng vợ và 4 con của ông.

Kết quả là nếu có nạn nhân của nhiều nước khác, giới truyền thông ở các nước sẽ có nhiều câu chuyện về họ. Tiếp theo đó là cảm giác sợ hãi dâng cao ở khắp thế giới, đồng thời có thêm những yêu cầu tái củng cố an ninh sân bay để chống khủng bố tấn công.

Thực tế là đa số các sân bay quốc tế đều đã được “phòng thủ mạnh” một cách tối đa có thể. Nhưng rất khó kiểm soát các khu vực đăng ký lấy chỗ (check-in) và nếu những người thân đưa tiễn hoặc đón hành khách cũng bị khám xét thân thể và hành lý thì toàn bộ hoạt động của sân bay sẽ bị ngưng trệ lập tức.  

Dù vậy, một số công tác phòng chống tỏ ra hiệu quả. Hồi tháng 6.2007, khi hai gã đàn ông lao chiếc xe chở đầy các bình chứa chất propane ở tốc độ cao đến cổng một trạm đến của sân bay Glasgow (Scoltand), hàng cọc thép đã chặn chúng và chiếc xe Jeep nổ tung, giết chết một trong hai tên khủng bố và làm 4 người khác bị thương nhẹ.

Một số hãng bay không lệ thuộc vào nhân viên an ninh sân bay trong việc bảo vệ hành khách trước khi họ đáp máy bay. Ví dụ, bọn khủng bố từng tấn công khu vực đăng ký chỗ ở Roma (Ý) năm 1985 đã bị nhân viên an ninh của hãng bay El-Al bắn hạ, dù vài hành khách cũng bị giết chết.   

Bất kỳ hệ thống vận chuyển hành khách công cộng nào cũng dễ bị khủng bố gây hại. Vụ tấn công ga tàu điện ngầm Maalbeek (Brussels, gần trụ sở EU) cũng khiến nhiều người chết như vụ khủng bố sân bay quốc tế Zaventem ngày 22.3. Năm 2005, bom đã khiến 52 hành khách chết ở các chuyến xe buýt và xe điện ở London (Anh).

Các vụ tấn công ở Brussels một lần nữa cho thấy các tổ chức khủng bố chỉ cần một nhóm nhỏ để gieo rắc thảm họa lớn, nhằm đạt được mục tiêu tuyên truyền “gây hiệu ứng đặc biệt” mà chúng mong muốn. Sự tổn thất kinh tế cũng sẽ rất đắt giá, nhất là đối với ngành du lịch châu Âu.

Cũng cần phải nhớ rằng trước khi tổ chức khủng bố IS xuất hiện vào năm 2004, một vụ tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng và điều phối tốt, nhắm vào ga xe lửa Atocha ở Madrid (Tây Ban Nha) khiến 192 người chết, hơn 2.000 người bị thương trong đó có nhiều người bị thương nặng. Vụ ở Madrid có hậu quả tàn phá hơn vụ đánh bom ở London, vụ tấn công khủng bố Paris hồi tháng 11.2015 khiến 130 người chết và vụ đánh bom Brussels khiến 31 người chết.

Vấn nạn các nước EU không chịu chia sẻ thông tin tình báo 
Cách phòng thủ tốt nhất và duy nhất chống lại bọn khủng bố, không phải là “gia cố các pháo đài phòng thủ”, mà là chia sẻ tin tình báo để ngăn chặn khủng bố từ trước khi chúng ra tay.
Vụ tấn công Brussels xảy ra đúng một ngày sau khi các quan chức Bỉ - Pháp họp để khẳng định quyết tâm hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan, khi mối đe dọa của khủng bố lan khắp châu Âu. Nhưng các chuyên gia an ninh nói rằng nếu EU không khắc phục tình trạng thiếu chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên thì các thành phố lớn sẽ tiếp tục bị tấn công trong tương lai.

Ông Eelco Kessels thuộc Trung tâm toàn cầu hợp tác an ninh (một tổ chức tư vấn an ninh) nói: “Vụ tấn công Brussels là một ví dụ để chúng ta thấy tầm quan trọng của sự chia sẻ thông tin tình báo, không chỉ trong nội bộ, mà với cả bên ngoài. Mũi nhọn của trận tuyến này vẫn là sự hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các nước với nhau”.   

Ông Kessels nói thêm rằng các nước châu Âu thường không sẵn sàng thoải mái chia sẻ thông tin tình báo với nhau, trừ phi được hứa sẽ có gì đó đền đáp lại. Vì thế, tiến độ chống khủng bố ở EU bị chậm.

Dù đã phải đóng cửa nhiều cửa khẩu vào lúc lâm vào khủng hoảng dân tị nạn Syria, nhưng sự tự do đi lại vẫn diễn ra ở trung tâm châu Âu hiện đại. Hiệp ước Shengen 1995 cho phép đi lại miễn visa giữa các nước thành viên EU đã khiến bọn cực đoan dễ dàng xâm nhập các nước EU mà không bị kiểm soát.

Christian Harbulot, Giám đốc Trường chiến tranh kinh tế (Pháp) nói: “Thực ra, chúng tôi không hề có một hệ thống tình báo châu Âu, mà chỉ có một châu Âu xóa sạch mọi biên giới quốc gia chính vì Hiệp ước Shengen. Quá mâu thuẫn”.

Vụ đánh bom ở Brussels xảy ra nhiều ngày sau cảnh sát Bỉ bắt được tên Salah Abdeslam, một trong những tên khủng bố cuối cùng còn sống của vụ tấn công Paris. Tên này lớn lên ở một khu ngoại ô Brussels theo đạo Hồi và có thu nhập thấp. Hắn bị phát hiện ở căn hộ của một người bạn ở Brussels hôm 18.3, sau 4 tháng bị truy lùng.
Đã có những chỉ trích các cơ quan cảnh sát, biên phòng Bỉ mất quá nhiều thời gian mới bắt được Abdeslam, cùng việc chính quyền Bỉ không phát hiện được kế hoạch IS tấn công Paris. Nhưng theo các chuyên gia, vấn nạn phát hiện khủng bố vượt trên các vùng biên giới, chính vì không có một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo trong nội bộ và với bên ngoài, giữa các nước châu Âu với nhau”.
Vĩnh Thụy (theo Daily Beast, International Business Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Con mồi” ưa thích của khủng bố: ngành hàng không