Khi phong trào các câu lạc bộ phòng chống tội phạm lên cao, Công an TP.HCM cũng tìm hiểu thêm về mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương và rà soát các quy định pháp luật để có hướng phát triển. “Tuy nhiên, Công an thành phố không tìm thấy căn cứ pháp luật nào để hợp thức mô hình này”, tướng Phan Anh Minh trăn trở.
Đây là nỗi trăn trở của thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khi trao đổi với báo chí tại buổi họp báo cung cấp thông tin về vụ các đối tượng trộm xe SH dùng hung khí chống trả khi bị nhóm hiệp sĩ Tân Bình vây bắt, làm 2 “hiệp sĩ” tử vong và 3 người khác bị trọng thương.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây mất mát đau thương không chỉ cho gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau của lãnh đạo và Công an thành phố. Ngay sau khi vụ án mạng xảy ra, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.HCM tung các đơn vị nghiệp vụ tinh nhuệ nhất vào cuộc điều tra phá án, sớm bắt được các hung thủ gây án để an ủi linh hồn các hiệp sĩ đã hy sinh.
"Các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM đã làm hết sức mình để sớm bắt được các đối tượng gây án. Chúng tôi không lấy cái đau thương làm thành tích cho mình. Việc nhanh chóng bắt được nghi can gây án là nhiệm vụ của công an phải làm”, tướng Minh nói.
Chia sẻ về mô hình hiệp sĩ bắt cướp, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, từ cách đây cả chục năm, trên địa bàn TP cũng đã có mô hình của "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến. Sau đó, nhiều mô hình “hiệp sĩ đường phố” khác cũng được thành lập và có đóng góp tích cực vào công tác toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, góp phần cùng lực lượng Công an TP.HCM giữ vững bình yên cuộc sống cho nhân dân.
Khi phong trào các câu lạc bộ phòng chống tội phạm lên cao, Công an TP.HCM cũng tìm hiểu thêm về mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương và rà soát các quy định pháp luật để có hướng phát triển. “Tuy nhiên, Công an thành phố không tìm thấy căn cứ pháp luật nào để hợp thức mô hình này”, tướng Minh trăn trở.
Theo tướng Minh, những người tham gia các đội nhóm “hiệp sĩ” là những người dân đi làm “việc nghĩa”. Tuy nhiên các đối tượng phạm tội hiện nay rất manh động, đặc biệt là các đối tượng lạm dụng sử dụng ma túy. Do đó, họ cần được huấn luyện và đào tạo để biết “giới hạn” của mình, cái gì pháp luật cho phép làm cái gì không.
"Lãnh đạo Công an TP.HCM rất day dứt vì chưa chuẩn hóa được các đội nhóm “hiệp sĩ” này. Không phải ai muốn trở thành "hiệp sĩ" đều đủ tư cách, ít ra thì mặt sức khỏe, đạo đức, tư chất phải xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng về việc này. Cái chúng ta cần nhất hiện nay là một quy chế với các quy chuẩn quy định những “hiệp sĩ” được làm gì khác với những công dân bình thường", Thiếu tướng Phan Anh Minh trăn trở.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng cho biết thêm, Công an TP.HCM sẽ tập hợp hồ sơ để đề nghị cơ quan chức năng truy tặng liệt sĩ cho hai "hiệp sĩ" hy sinh và có khen thưởng xứng đáng với những người bị thương.
Trước đó,tối 13.5, đối tượng Nguyễn Tấn Tài (24 tuổi, còn gọi Tài "Mụn", ngụ Q.12) rủ Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ Hóc Môn) đi trộm cắp kiếm tiền tiêu xài và được đồng ý. Phú điều khiển chiếc xe máy Exciter màu đỏ của mình đến chở Tài đi “ăn hàng”.
Trước khi đi, Tài thủ một con dao trong người. Lúc đầu, chúng trộm hụt một chiếc xe trên địa bàn Q.10. Sau đó, khi đang trộm chiếc xe SH trên đường Cách Mạng Tháng 8 thì bị nhóm hiệp sĩ Tân Bình lao vào khống chế. Đối tượng Tài dùng hung khí chống trả khiến 2 hiệp sĩ bị chết và 3 người bị thương. Toàn bộ vụ việc chỉ diễn ra rất nhanh trong vòng 13 giây.
Sau khi gây án, chúng nhanh chân bỏ trốn khỏi hiện trường. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan công an đã nhanh chóng bắt được đối tượng Phú vào lúc 9 giờ sáng ngày 14.5. Đến 22 giờ cùng ngày, đối tượng Tài cũng bị bắt khi đang lẩn trốn ở Q.Gò Vấp. Với những chứng cứ không thể chối cãi, cả hai đối tượng này đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Thiên Long/báo CATP