Cơ quan chức năng khuyến nghị người dân phải bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội...

Công nghệ phát triển, hình thức lừa đảo cũng gia tăng

Nhã Thanh | 30/03/2023, 06:20

Cơ quan chức năng khuyến nghị người dân phải bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội...

Hiện nay công nghệ ngày càng phát triển dẫn đến hình thức lừa đảo cũng gia tăng. Điển hình như kẻ lừa đảo sẽ giả mạo cơ quan chức năng gọi điện cho bị hại, bịa đặt thông tin về việc vi phạm pháp luật.

Gần đây nhất là hình thức mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản…

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), kẻ lừa đảo ẩn danh dễ dàng qua phần mềm, công cụ phổ biến, hay SIM rác… để phục vụ hành vi lừa đảo.

Màn kịch ‘con cấp cứu’

Công an quận Tây Hồ đang điều tra vụ phụ huynh bị lừa chuyển tiền sau cuộc gọi điện thông báo “con đang cấp cứu”.

Theo đó, vào ngày 13.3.2023, Công an phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận được tin trình báo của gia đình anh V. (SN 1975; trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) về việc sáng cùng ngày, anh V. nhận được điện thoại nói con trai bị tai nạn đang được cấp cứu ở bệnh viện.

Họ liên tục gọi điện thúc ép, yêu cầu anh phải chuyển tiền viện phí để cấp cứu cho con nên vợ chồng anh V. đã chuyển 260 triệu đồng cho bọn chúng. Khi đến bệnh viện, vợ chồng anh gặp bác sĩ để hỏi thông tin thì mới biết gia đình bị lừa đảo.

bao-mat-thong-tin-nang-cao-canh-giac-truoc-hang-loat-thu-doan-lua-dao-moi.jpg
Công nghệ ngày càng phát triển dẫn đến hình thức lừa đảo cũng gia tăng - Ảnh: Internet

Theo Công an TP.Hà Nội, thủ đoạn mạo danh nhà trường hoặc bệnh viện thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con là thủ đoạn lừa đảo mới đã xuất hiện tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Lợi dụng tâm lý lo lắng, rối bời, kẻ xấu yêu cầu các phụ huynh nhanh chóng gửi tiền nộp viện phí để bác sĩ phẫu thuật.

Công an Hà Nội cũng phân tích thêm: “Kẻ xấu còn dùng chiêu trò rất tinh vi như âm thanh cấp cứu, giả danh bác sĩ để mô tả về tình trạng nguy kịch, đánh vào tâm lý của phụ huynh. Tuy nhiên, sự thật là các con không gặp tai nạn, đây chỉ là kịch bản mà kẻ lừa đảo dựng lên để đánh lừa các bậc phụ huynh”.

Liên quan đến các vụ lừa đảo qua điện thoại hiện nay, tại buổi Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an quý 1/2023 của Bộ Công an, đại diện Công an TP.Hà Nội cho biết ngoài việc phối hợp điều tra để bắt giữ tội phạm, Công an TP.Hà Nội cũng đã có nhiều cuộc họp, mời các ngân hàng, hội sở, điểm giao dịch để đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Tại điểm giao dịch ngân hàng, Công an thành phố còn gắn biển cảnh báo đối với hành vi lừa đảo.

Công an thành phố đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Khi nhận được cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân, học sinh bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện, người dân cần phải bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền ngay.

Người dân cũng cần liên hệ với nhà trường để xác minh thông tin chính xác và trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Sử dụng công nghệ giả giọng người quen để vay tiền

Đáng chú ý, mới đây, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết hiện nay xuất hiện tình trạng lừa đảo mới cực kỳ tinh vi bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng công nghệ Deepfake AI tạo ra âm thanh, hình ảnh và video giả con người như ngoài đời thật.

Kẻ xấu sau khi hoàn thành giả giọng, fake khuôn mặt sẽ thực hiện cuộc gọi video vay tiền người thân, giả làm con cái xin tiền bố mẹ hay giả người thân đi cấp cứu phải chuyển tiền gấp.

Theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), về thủ đoạn sử dụng công nghệ giả hình ảnh, giọng nói người quen của bị hại nhằm chiếm được lòng tin để vay tiền, chuyển tiền, Cục A05 đã báo cáo lãnh đạo bộ và có điện chỉ đạo đến công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến phương thức thủ đoạn phạm tội này đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Ngoài ra, Cục A05 cũng đã tổ chức làm việc với Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng về định danh tài khoản điện thoại, định danh tài khoản ngân hàng để làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng, tiến tới tất cả tài khoản được mở bằng tài khoản chính chủ.

Xa hơn nữa là nhắm tới việc định danh khi thực hiện giao dịch, đảm bảo có thể kiểm soát tốt dòng tiền, có thể phong tỏa dòng tiền khi tội phạm lừa đảo xảy ra.

Đại diện Cục A05 cũng khuyến nghị người dân phải thường xuyên cập nhật thêm những thông tin về các phương thức thủ đoạn lừa đảo mới trên các phương tiện truyền thông, phải bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội.

Đặc biệt, người dân phải cảnh giác cao khi người quen tương tác với mình qua mạng xã hội mà yêu cầu giao dịch về mặt tài chính có dấu hiệu bất thường thì cần liên hệ trực tiếp với người đó để tránh thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Bài liên quan
TP.HCM: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới ở cổng trường
Trên địa bàn TP.HCM vừa xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới rất nguy hiểm tại khu vực trường học. Có những kẻ giả là bạn của phụ huynh để đón học sinh đi có việc gấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ phát triển, hình thức lừa đảo cũng gia tăng