Hiện cả nước chỉ có 100 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người lao động. Tuy nhiên số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu.

Công nhân thiếu nhà ở, nhà đầu tư vẫn không mặn mà xây

25/09/2019, 15:26

Hiện cả nước chỉ có 100 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người lao động. Tuy nhiên số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu.

72% công nhân cả nước có nhu cầu về nhà ở giá rẻ - Ảnh: Internet

Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía nam” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 1,7 triệu công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP.HCM (63%), Đồng Nai (60%)…

Điều này kéo theo nhu cầu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp rất cao. Tuy nhiên, báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện chỉ có 100 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu.

Đơn cử TP.HCM chỉ có 34 dự án đã hoàn thành, 15 dự án đang triển khai; Đồng Nai có 1 dự án hoàn thành, 2 dự án đang triển khai; 13 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; Bình Dương có 5 dự án đã hoàn thành; 5 dự án đang triển khai…

Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay thiếu nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc, ngân sách nhà nước vẫn chưa bố trí được nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội.

Hiện nay, ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỉ cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất giai đoạn 2016-2020 cần bố trí khoảng 10.000 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở. Thế nhưng, trên thực tế nguồn vốn được bố trí rất hạn chế chỉ vài chục phần trăm so với kế hoạch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc thủ tục, lợi nhuận bị khống chế; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội.

Do vậy, ông Ninh đề nghị các địa phương cần đảm bảo về quỹ đất cũng như các nguồn lực dành cho các dự án nhà ở xã hội, đồng thời có các cơ chế cụ thể để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Trước thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị các bộ ngành cần cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Ngoài ra, với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn đặt ra vấn đề cần xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn (quy định diện tích tối thiểu hiện nay là 36m2, 50m2, 80m2) để giải quyết bài toán nhà ở. Ngoài ra, cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp “sổ đỏ” cho “căn nhà nhỏ” của người có thu nhập thấp, người nghèo…

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nói rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động hỗ trợ tạo lập nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường. Song song đó là phát triển đồng bộ quy hoạch nhà ở và các tiện ích công như trường học, bệnh viện, giao thông, siêu thị, khu giải trí… tạo dựng môi trường thích hợp cho công nhân lao động an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân thiếu nhà ở, nhà đầu tư vẫn không mặn mà xây