Công trình xanh đã được phát triển ở Việt Nam hơn 10 năm. Xu hướng này được xác định là tất yếu nhưng trên thực tế, số lượng công trình được công nhận là công trình xanh còn rất hạn chế.

Công trình xanh ở Việt Nam: Khó nhất là 'bắc cầu' giải pháp kỹ thuật sang giải pháp tài chính

Quỳnh Trâm thực hiện | 31/10/2023, 17:45

Công trình xanh đã được phát triển ở Việt Nam hơn 10 năm. Xu hướng này được xác định là tất yếu nhưng trên thực tế, số lượng công trình được công nhận là công trình xanh còn rất hạn chế.

Ông Trần Thành Vũ, Chủ tịch Hội Mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA-Vietnam) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này.

Rào cản về kỹ thuật lẫn chính sách

P.V:  Thưa ông, theo thông tin chính thức thì ở Việt Nam chỉ có khoảng 300 công trình xanh. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này? 

Ông Trần Thành Vũ: Tôi thấy con số này là rất nhỏ. So với Singapore - một quốc gia diện tích chỉ bằng Hà Nội nhưng đã có khoảng 3.000 công trình xanh.

Tuy vậy, thực tế này không hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân kinh tế. Theo tôi, đó là cách chúng ta tiếp cận để có được chứng chỉ công trình xanh.

Các nhà đầu tư từ trước tới nay vẫn mặc định nghĩ: Nếu làm công trình xanh hay công trình tiết kiệm năng lượng thì phải tăng chi phí lên, sau đó may ra được bù đắp lại trong thời gian vận hành.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tăng chi phí và lãi suất vay thông thường rất cao nên các nhà đầu tư khó có đủ "can đảm" để bước tiếp. Đó là lý do mà hiện giờ mới chỉ có 300 công trình xanh, một nửa trong số đó là các nhà máy công nghiệp.

Vậy để đẩy mạnh phát triển công trình xanh tại Việt Nam, theo ông thì cần có những thay đổi gì?

- Tôi cho rằng rất cần sự đổi mới về thiết kế, kỹ thuật để giá thành thực hiện các công trình xanh tốt hơn, thậm chí là giảm giá thành so với các công trình hiện giờ đang làm. Đó là vấn đề mấu chốt và quan trọng.

Có 2 khía cạnh, thứ nhất là về kỹ thuật, người thiết kế cần nỗ lực hơn; thứ hai là về chính sách, ưu đãi về lãi vay, các cơ chế về cho thuê các công ty dịch vụ năng lượng góp phần hạ giá thành công trình.

vu.jpg
Ông Trần Thành Vũ - Nhà sáng lập Công ty TNHH EDEEC, Chủ tịch Hội Mô phỏng Hiệu năng Công trình Xây dựng Việt Nam (IBPSA Vietnam)

Việt Nam hiện tại còn thiếu cả 2 yếu tố này nên có một số công trình được trình diện thực tế rất ít.

Bản thân tôi có tổng 13 công trình, tôi tham gia 11 công trình giới thiệu hiệu quả năng lượng và có hiệu quả chi phí ở trong đó. Làm được những công trình như vậy càng nhiều càng tốt, đó là động lực để các nhà đầu tư thấy rằng làm công trình xanh thực tế có lợi hơn rất nhiều so với quy trình bình thường.

Quy trình bình thường hơi đắt so với công trình xanh, nếu chúng ta áp dụng được đổi mới sáng tạo, công nghệ thiết kế, tính toán mô phỏng chính xác. Tính toán mô phỏng chính xác giúp cho việc đầu tư vào công trình đúng chỗ và đồng vốn được phân bổ vào từng thành phần công trình hợp lý, nhờ đó giảm được rất nhiều lãng phí. Đó là chìa khóa để chúng ta có thể phát triển mở rộng công trình xanh.

Thưa ông, đối với công trình mới, chúng ta đi từ khâu thiết kế ban đầu, còn đối với các công trình hiện hữu: từ công trình bình thường trở thành công trình xanh thì có phức tạp không và quá trình triển khai cần các yếu tố như thế nào?

Theo tôi thấy, các quốc gia nỗ lực để cải tạo các công trình cũ còn lớn hơn các công trình cũ bởi đó là diện rộng.

Ở điều kiện Việt Nam cũng “muôn hình vạn trạng”, một số công trình chất lượng đã tương đối thấp rồi thì phải cải thiện nhiều. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhìn thấy những cơ hội khá thú vị cho các tòa nhà lớn, sử dụng các hệ thống làm lạnh trung tâm bằng nước.

Có những công trình chúng tôi đã khảo sát, kiểm tra, có thể đạt được mức hiệu quả tăng vọt trên 20%, thậm chí hơn nữa mà chi phí đầu tư không đáng kể hoặc thời gian hoàn vốn cực kỳ nhanh, chỉ trong khoảng 1 - 5 năm.

Đó là những cơ hội rất lớn cho thị trường và điều này còn ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc thỉnh thoảng làm ra được một công trình mới kéo dài trong khoảng 4 - 5 năm mới xong, kể cả khâu dự án thì có thể tới 7 năm.

Các công trình như khách sạn, văn phòng sẽ được lợi rất lớn khi cải tạo và hiệu quả rất cao. Tất nhiên, sẽ có những công trình rất khó và tùy vào từng trường hợp cụ thể.

“Bắc cầu” giữa các giải pháp kỹ thuật sang giải pháp tài chính

Để thay đổi tư duy và để các chủ đầu tư, các chủ công trình nghĩ đến việc cải tạo các công trình của họ trở thành công trình xanh, cần có những động lực như thế nào, những yêu cầu, những cú hích như thế nào từ phía chính sách và các cơ quan nhà nước, thưa ông?

- Tôi lấy ví dụ ở Pháp, cách đây khoảng 10 năm, khuyến khích các hộ gia đình thay từ kính đơn sang kính đôi và cho mỗi gia đình 400 euro. Đây cũng là một cách làm khá thú vị.

vu-2.jpg
Đối với công trình xanh, khó nhất là “bắc cầu” giải pháp kỹ thuật sang giải pháp tài chính

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chủ đầu tư, các nhà vận hành công trình thấy rất tốn tiền, không biết làm thế nào. Như Bộ Công Thương yêu cầu các tòa nhà phải có kiểm toán năng lượng và đưa ra các giải pháp năng lượng, đặc biệt là các tòa nhà sử dụng năng lượng trọng điểm. Tuy nhiên, những yêu cầu trên hầu hết đều mang tính giấy tờ hơn là mang đến hiệu quả thật.

Khi chúng tôi làm để cố gắng mang đến hiệu quả thật thì chúng tôi phải tính giúp và tính toán miễn phí cho chủ đầu tư. Đó là việc nặng nhất trong khâu cải tạo công trình thành công trình xanh. Theo đó, phải tính toán xem với việc cải tạo này, từng bước, từng giải pháp sẽ giảm cho nhà đầu tư bao tiền mỗi năm và mỗi giải pháp tốn bao nhiêu tiền để thực hiện, thời gian hoàn vốn là bao nhiêu.

Theo tôi, cần phải rất rõ ràng các con số như vậy, sau đó mới đưa vào để thực hiện. Và khi nhà đầu tư thấy được các con số như vậy thì việc thực hiện lại rất dễ dàng. Quan trọng là phải có người chỉ ra các con số cụ thể về tài chính.

Điều khó nhất ở Việt Nam là “bắc cầu” giữa các giải pháp kỹ thuật sang giải pháp tài chính. Người làm kỹ thuật phải cho người quản lý tài chính nhìn thấy được cái lợi ích nằm ở đâu. Đó cũng là chìa khóa để thúc đẩy việc cải tạo trên diện rộng.

Chúng tôi cũng đã thử nghiệm với một vài dự án, khi tính toán được đầy đủ cho các tòa nhà họ rất chào đón giải pháp đó vì hiệu quả, thậm chí có những tòa nhà chi phí cải tạo không đáng kể.

Vậy về phía cơ quan quản lý, Chính phủ, với động thái tại hội nghị COP 26, cam kết của Thủ tướng chính phủ liệu có tạo ra động lực mạnh mẽ đối với việc thay đổi trong nhận thức cũng như thực hiện triển khai các công trình xanh không, thưa ông?

Điều đó là chắc chắn, vì thời điểm này các bộ ngành đang rất ráo riết thực hiện cam kết tại COP26 của Việt Nam. Chắc chắn là đến một thời điểm tất cả các chiến lược, nghị quyết, thông tư, nghị định mang tính chất hướng dẫn sẽ đi vào thực tế. Chúng tôi đang cố gắng nỗ lực kết nối với một số tổ chức quốc tế để thúc đẩy việc này mạnh mẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công trình xanh ở Việt Nam: Khó nhất là 'bắc cầu' giải pháp kỹ thuật sang giải pháp tài chính