Bệnh COVID-19 có xu hướng diễn tiến nặng hơn ở những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền mạn tính như các bệnh gan, thận, tim và phổi.

COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đối với các bệnh về gan?

Hồ Quang | 21/07/2021, 21:30

Bệnh COVID-19 có xu hướng diễn tiến nặng hơn ở những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền mạn tính như các bệnh gan, thận, tim và phổi.

Theo PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, các nghiên cứu cho thấy những người có bệnh gan mạn tính mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người không có bệnh gan. 

Bệnh COVID-19 gắn kết và xâm nhập vào tế bào đích thông qua men chuyển angiotensin 2 (ACE2) và men này hiện diện ở các tế bào biểu mô gan, tế bào ống mật. Do vậy, vi rút có thể xâm nhập vào các tế bào gan và ống mật. 

covid-19-anh-huong-nhu-the-nao-doi-voi-cac-benh-ve-gan-hinh-anh(1).png
PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng – khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tư vấn cho một trường hợp mắc bệnh về gan - Ảnh: N.P

Bác sĩ Hoàng cho biết, qua nghiên cứu các trường hợp mắc COVID-19 cho thấy, những người này có tình trạng tăng men gan, trong đó tăng AST và ALT được ghi nhận khoảng 14% đến 83% trường hợp, nhưng thường tăng dưới 2 lần mức trên giá trị bình thường. Trong khi đó, tăng phosphatase kiềm và gamma glutamyl transferase (GGT) ít gặp hơn với tỉ lệ lần lượt là 6% và 21%. Ngoài ra, bilirubin toàn phần có thể tăng ở mức độ nhẹ đến vừa. 

“Tăng men gan phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, có thể do vi rút trực tiếp gây ra hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, các thuốc được dùng để kiểm soát triệu chứng COVID-19 cũng có thể gây độc cho gan nhưng hiếm khi dẫn đến phải ngừng điều trị. Tỷ lệ của tổn thương gan do thuốc (gồm remdesivir và tocilizumab) ở người bệnh COVID-19 là 25,4%”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng nói người bệnh COVID-19 có tăng men gan thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người bệnh không có tăng men gan. Tuy nhiên, tổn thương gan trong các trường hợp COVID-19 nhẹ thường không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc chăm sóc hỗ trợ, nâng đỡ.

Bên cạnh đó, những người bị xơ gan, nhất là xơ gan mất bù, nếu nhiễm COVID-19 sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong tăng cao hơn so với người bệnh không xơ gan. 

Do đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bệnh xơ gan cần lưu ý, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh nhiễm COVID-19. Ngoài ra, nếu không có sự điều chỉnh của bác sĩ điều trị, người bệnh xơ gan vẫn phải tiếp tục uống thuốc theo toa, không nên ngừng hoặc tự ý thay đổi thuốc, tiếp tục theo dõi và tầm soát ung thư gan theo đúng lịch trình nếu hoàn cảnh cho phép.

Theo các chuyên gia y tế, ảnh hưởng của vi rút SARS-CoV-2 trên người bệnh nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) hoặc vi rút viêm gan C (HCV) vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn. Những người bị viêm gan trên 65 tuổi hoặc mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh phổi mạn tính, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim và bệnh thận có nguy cơ cao bị bệnh COVID-19 nặng hơn. 

Tương tự như người bị xơ gan, người bị nhiễm vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C không nên ngừng, hoặc thay đổi các loại thuốc đã được kê toa trừ khi bác sĩ điều trị điều chỉnh thuốc. Ngừng hoặc thay đổi thuốc có thể gây bùng phát bệnh gan hoặc các vấn đề sức khỏe khác. 

Đối với  trường hợp bị gan nhiễm mỡ có liên quan chặt chẽ đến hội chứng chuyển hóa (béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp) và các đặc điểm của hội chứng chuyển hóa chính là những yếu tố nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19. 

Uống rượu nhiều gây tổn thương gan và làm giảm khả năng tạo ra các tế bào cần thiết cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh của tủy xương. Ở những người đã ngừng uống rượu và không bị xơ gan, bệnh gan do rượu không phải là một yếu tố nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng. Tuy nhiên, ở những người bị xơ gan do rượu hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nguy cơ nhiễm COVID-19 diễn tiến nặng đặc biệt cao, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong gia tăng. 

Trong khi đó, theo ThS.BS Phan Thế Sang, bệnh gan tự miễn (AIH) không phải là một yếu tố nguy cơ nhiễm COVID-19 hoặc làm cho bệnh diễn tiến nặng. Tuy nhiên, những người có bệnh gan tự miễn bị xơ gan hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa sẽ có nguy cơ cao bị bệnh COVID-19 nặng hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong cũng như những trường hợp xơ gan do các nguyên nhân khác. 

Đặc biệt, những người bị ung thư gan mắc COVID-19 cũng có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong cao.  

“Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Những người bệnh này cần được đánh giá đa chuyên khoa nhằm đảm bảo chăm sóc và điều trị tối ưu. Do vậy, không nên trì hoãn hoặc ngưng điều trị do dịch COVID-19”, bác sĩ Sang nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đối với các bệnh về gan?