BS.CK2 Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương gửi bức thư xúc động đến đồng nghiệp cùng toàn thể nhân viên bệnh viện, các đơn vị dịch vụ, đối tác đang cùng làm việc và hỗ trợ họ. Trong thư, ông Chiến kể câu chuyện đau thương về một gia đình 4 người đều mắc COVID-19, trong đó người mẹ già suy hô hấp nặng rồi tử vong khi không có người thân bên cạnh.

Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Xót xa khi thấy bệnh nhân COVID-19 qua đời không có người thân bên cạnh

Một Thế Giới | 20/07/2021, 20:21

BS.CK2 Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương gửi bức thư xúc động đến đồng nghiệp cùng toàn thể nhân viên bệnh viện, các đơn vị dịch vụ, đối tác đang cùng làm việc và hỗ trợ họ. Trong thư, ông Chiến kể câu chuyện đau thương về một gia đình 4 người đều mắc COVID-19, trong đó người mẹ già suy hô hấp nặng rồi tử vong khi không có người thân bên cạnh.

Bác sĩ Võ Đức Chiến kể rằng hiện các nhân viên y tế phải đối mặt với những khó khăn như điều kiện làm việc bất tiện hơn, chỗ ăn nghỉ eo hẹp hơn, cường độ công việc và tinh thần tâm lý căng thẳng hơn, thậm chí một số người vì làm nhiệm phòng chống dịch COVID-19 đã nhiễm bệnh.

Ông đồng cảm và biết ơn họ vì cùng mạo hiểm mạng sống của mình cho rất nhiều người bằng sự hy sinh cao cả, đáng trân trọng. Thế nhưng, bác sĩ Võ Đức Chiến kêu gọi từng nhân viên của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giữ vững tinh thần cũng như trách nhiệm của người cán bộ y tế, để đem lại bình yên cho đất nước, quê hương và TP.HCM.

Nếu chúng ta không bảo vệ cộng đồng thì ngay cả mạng sống những người thân quen của chúng ta cũng sẽ khó bảo toàn vì sự lây lan của đại dịch COVID-19”, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhấn mạnh.

giam-doc-benh-vien-nguyen-tri-phong-xot-xa-khi-thay-benh-nhan-covid-19-qua-doi-khong-co-nguoi-than-ben-canh.jpg
Bác sĩ Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Được sự cho phép của bác sĩ Võ Đức Chiến, Một Thế Giới xin đăng nội dung bức thư này:

Kính gửi quý anh chị em đồng nghiệp cùng toàn thể nhân viên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các đơn vị dịch vụ, đối tác đang cùng làm việc và hỗ trợ bệnh viện của chúng tôi,

Chúng ta không thể không thừa nhận đang phải đương đầu với cuộc chiến COVID-19 lần thứ tư rất phức tạp và nguy hiểm dựa trên số bệnh nhân và các ca tử vong. Những ngày này tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ngôi nhà chung của chúng ta thật bận rộn với nhiều lý do:

- Vì ½ diện tích bệnh viện phải chuyển công năng thành khu điều trị COVID-19 do áp lực điều trị để giảm tử vong ca COVID-19 nặng, chăm sóc toàn bộ việc ăn uống cho số bệnh nhân này cũng như nhân viên y tế cùng việc bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, môi trường…

- Vì số ca F0 ngoài cộng đồng đến khám chữa bệnh ngày càng tăng;

- Vì số nhân viên y tế thuộc khu phong tỏa ngày càng nhiều khiến lực lượng bị mỏng đi, thêm vào đó là số nhân viên bị nhiễm bệnh do tham gia nhiệm vụ;

- Vì phải đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động điều trị bệnh nhân cũng như các hoạt động khác như truy vết, tiêm chủng, tham gia các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung,… và còn vô số những hoạt động khác để chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt” là vi rút SARS-CoV-2! Nhưng nếu chúng ta không bảo vệ cộng đồng thì ngay cả mạng sống những người thân quen của chúng ta cũng sẽ khó bảo toàn vì sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Chưa lúc nào như lúc này, các bạn nhân viên y tế phải đối mặt với những khó khăn như điều kiện làm việc bất tiện hơn; chỗ ăn nghỉ eo hẹp hơn; cường độ công việc và tinh thần tâm lý căng thẳng hơn… Dù sao đi nữa, tôi vẫn tin rằng tất cả chúng ta đều tự hào với ngành nghề mà mình đã chọn và mục đích tốt đẹp đang theo đuổi: Đó là mỗi người chúng ta được an toàn trong một cộng đồng an toàn.

Ở vai trò là người đứng đầu bệnh viện, tôi rất biết ơn về mỗi sự hy sinh và mỗi sự chịu khó của từng nhân viên y tế. Trong từng hoàn cảnh, các đồng nghiệp đều phát huy tinh thần trách nhiệm cao để trở thành những chiếc khiêng mạnh mẽ bảo vệ cộng đồng. Tôi tin rằng cộng đồng không thể quên được hình ảnh thật xúc động của những người chiến sĩ trên mặt trận y tế đang chiến đấu thầm lặng trong những bộ quẩn áo ướt sũng vì mồ hôi sau những lần lấy mẫu, những bàn tay sần da vì sử dụng găng tay y tế kéo dài, sự kiên trì hàng giờ đồng hồ để an ủi những bệnh nhân không thể ở bên gia đình của họ.

Thật cám ơn khi các bạn đã cùng gánh vai để mạo hiểm mạng sống của mình cho rất nhiều người bằng sự hy sinh cao cả, đáng trân trọng. Nhưng còn gia đình mình thì sao? Nhân viên y tế chúng ta cũng là con người bằng xương bằng thịt với những nỗi lo âu, căng thẳng khi nghĩ đến gia đình của mỗi chúng ta đang trong giai đoạn giãn cách này sẽ như thế nào? Ai sẽ chăm sóc cha, mẹ, vợ, chồng,… khi họ đang phải trực chiến, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, đối mặt với những nguy cơ, cú sốc tinh thần?.

Các bạn ơi, có bao điều chúng ta đang trăn trở. Chiều nay, tôi cũng gặp phải 1 câu chuyện về gia đình nhiễm COVID-19: Hai anh chị chủ nhà trong khu phong tỏa bị phát hiện nhiễm COVID-19 và đã được đưa đến bệnh viện thu dung, sau đó mẹ và con mình cũng phát hiện nhiễm COVID-19 nhưng mẹ thì có triệu chứng nặng phải nhập bệnh viện trung tâm cùng với cháu nội. Người mẹ có diễn tiến suy hô hấp nặng rồi tử vong trong khi không có người thân bên cạnh, rồi được nhân viên y tế của bệnh viện xem như người thân và tiến hành khâm liệm, hỏa tảng (khi được đồng thuận của người thân qua điện thoại vì họ cũng đang trong khu phong tỏa) thật nhanh theo quy định phòng dịch.

Thật ngậm ngùi đúng không các bạn? Không ai biết ai ngay cả trong phút lâm chung của một người ngay trong thời bình mà chẳng gặp một người thân nào thì quả thật là kinh khủng!

Tôi vô cùng đồng cảm mỗi khi nhìn thấy vẻ mặt bất lực của anh em đứng trước nhiều trường hợp bệnh nhân tiến triển nặng và mất đi, rồi số ca bệnh đang tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Thật vậy, TP.HCM đang thống kê mỗi ngày có hơn 1.000 ca, hơn 2.000 ca rồi hơn 4.000 ca.

Ngay tại bệnh viện, chúng ta đã từng tận mắt chứng kiến cảnh đồng nghiệp của mình nhiễm COVID-19 trong quá trình phục vụ… Vì thế, việc nhân viên y tế chúng ta đang kiệt sức là điều thật dễ hiểu.

Nhiều bệnh viện đang quá tải vì phải phân chia lực lượng để hỗ trợ các công tác khác như lấy mẫu, xét nghiệm, chích ngừa vắc xin cho cộng đồng, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19, lại còn việc chăm sóc và điều trị các bệnh nhân mắc các bệnh cấp tính hay mạn tính không nhiễm COVID-19 (vì mô hình bệnh viện tách đôi)… Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, lúc này người dân đang cần được chăm sóc y tế!

Các bạn ơi, những ngày đầu tập tễnh bước chân vào giảng đường y khoa, hình ảnh người “nhân viên y tế” với một trọng trách cao cả là mang đến tia hy vọng cho mọi gia đình - luôn theo ta từng bước đi. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều gia đình đang “tan vỡ” vì COVID-19 đang diễn tiến kéo dài và phức tạp. Vì thế, các bạn thật sự là người ơn của cộng đồng và xin đừng bao giờ từ bỏ vì khó khăn và mọi người dân đang rất cần bạn!

Tôi vững tin chúng ta sẽ lại cùng nhau làm được và vượt qua mọi thử thách. Xin được tri ân từng sự đóng góp và mong rằng trong thời gian sắp đến, từng nhân viên y tế của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giữ vững tinh thần cũng như trách nhiệm của người cán bộ y tế, để đem lại bình yên cho đất nước, quê hương và thành phố yêu quý của tất cả chúng ta.

Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã dũng cảm chiến đấu với đại dịch để giữ cho tất cả chúng ta được an toàn. Thật không đủ từ ngữ có thể diễn tả vai trò của bạn quan trọng như thế nào. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không chủ quan để giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình.

Tôi biết những dòng chữ giới hạn này không thể diễn tả hết những tình cảm chân thành của một người đại diện lãnh đạo bệnh viện, cũng là một người dân của TP.HCM. Tôi cùng gia đình xin bày tỏ lòng biết ơn với tất cả các bạn, những chiến sĩ trên mặt trận y tế đang bảo vệ thành phố chúng ta khỏi đại dịch này.

Một lần nữa, xin cám ơn các bạn đã và đang phục vụ cộng đồng với lòng kiên nhẫn, tính trách nhiệm và sự tận tụy quên mình ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác vì sự an nguy của người bệnh và toàn thể cộng đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
33 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: Xót xa khi thấy bệnh nhân COVID-19 qua đời không có người thân bên cạnh