Trung Quốc đã bước vào giai đoạn đầu tiên trong việc thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin cho coronavirus chủng mới gây ra đại dịch COVID-19, trong bối cảnh các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm cách chống lại mầm bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.
Theo AFP, các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học quân y Trung Quốc thuộc Quân Giải phóng nhân dân (PLA) và Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của vắc xin đối với 108 người tham gia, trong độ tuổi từ 18 đến 60.
Các tình nguyện viện được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ có 36 người được cung cấp các liều lượng khác nhau gồm liều lượng thấp, trung bình và liều lượng cao. Những người này đều là cư dân của tâm dịch Vũ Hán - nơi coronavirus lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm ngoái.
"Các tình nguyện viên của thử nghiệm COVID-19 giai đoạn một đã bắt đầu nhận vắc xin", một nhân viên tham gia dự án vắc xin của chính phủ Trung Quốc nói với hãng tin AFP hôm 22.3.
Nỗ lực chế tạo vắc xin của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 16 tháng 3 - cùng ngày bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Mỹ trên 45 tình nguyện viên từ 18 đến 55 tuổi.
Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thuộc quản lý của cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố một bài xã luận vào tuần trước nhấn mạnh rằng "sự phát triển của vắc xin là một trận chiến mà Trung Quốc không thể để mất".
Các thông báo thử nghiệm vắc xin được đưa ra trong bối cảnh chính phủ các nước đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ, đồng thời thúc giục các công ty dược phẩm và phòng thí nghiệm trên khắp thế giới làm việc hết công sức nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Được biết, để sản xuất ra vắc xin đủ tiêu chuẩn, sau khi thử nghiệm chứng minh tính an toàn trên động vật, thử nghiệm ở người mới diễn ra. Việc xác định được vắc xin nào có thể sử dụng được trên con người và giúp phòng ngừa được coronavirus chủng mới cần ít nhất 1 đển 2 năm nữa để có những kết quả ban đầu đánh giá về độ an toàn và hiệu quả.
Các chuyên gia tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định rằng khó có khả năng có vắc xin được thử nghiệm đầy đủ và phê duyệt để tung ra thị trường từ giờ cho đến giữa năm sau.
Đáng chú ý, một phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus có tên là remdesivir (loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola), do hãng Gilead Science có trụ sở tại Mỹ phát triển, đã ở giai đoạn cuối của các thử nghiệm lâm sàng tại châu Á.
Các bác sĩ ở Trung Quốc cũng báo cáo rằng remdesivir đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc chống lại căn bệnh viêm phổi cấp do coronavirus chủng mới gây ra, mở ra triển vọng ngăn chặn đại dịch COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người trên toàn thế giới tính tới thời điểm hiện tại..
Hoàng Vũ (theo AFP)