Covidiot’ là sự kết hợp giữa 2 từ COVID-19 và ‘idiot’ (kẻ ngốc), một khái niệm mới dành cho những kẻ phớt lờ các biện pháp an toàn, khiến đại dịch lây lan ngày một tồi tệ.
Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều thay đổi và còn cho ra đời nhiều thuật ngữ mới. Một trong số đó, từ ‘Covidiot’ đã được đưa vào từ điển tiếng Anh. Theo Urban Dictionary, danh từ ‘Covidio’ có thể được hiểu theo 2 nghĩa. Đầu tiên, ‘Covidiot’ chỉ “người ngu ngốc lờ đi các quy tắc giãn cách xã hội, làm tăng nguy cơ lây truyền COVID-19”.
Một nghĩa khác của ‘Covidiot’ còn là để công kích những ai có hành vi tích trữ nhu yếu phẩm không cần thiết, lan truyền nỗi sợ và khiến những người khác không thể tiếp cận hàng hóa mình cần. Ví dụ tiêu biểu cho ‘Covidiot’ dạng này là sự kiện giấy vệ sinh cháy hàng tại Mỹ, hay dân Úc đánh nhau sứt đầu mẻ trán để giành khăn tắm chẳng hạn. Trong khi đó thì hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy việc mua cả chục bịch giấy vệ sinh một lúc là hợp lý trong thời buổi này cả.
Chuyến tàu bài xích các ‘Covidiot’ cũng đang cực kỳ thu hút cộng đồng mạng. “Những kẻ trở về từ nước ngoài và không tuân thủ lệnh cách ly là lũ Covidiot tồi tệ nhất, phải chịu trách nhiệm cho việc lây lan virus corona tại Ấn Độ" - một người dùng Twitter lên tiếng chỉ trích. Thậm chí, một trang tin châm biếm còn lên danh sách những dấu hiệu dành cho các ‘Covidiot’: Căn bệnh khiến người nhiễm coi bản thân là những kẻ IQ thấp, rất cuồng giấy vệ sinh, và hiện tại chưa có thuốc chữa.
Theo New York Post, tiền đạo Real Madrid Luka Jovic là một ví dụ về trường hợp ‘Covidiot’ của người nổi tiếng. Ngày 19.3, nam cầu thủ đã trốn cách ly, tự ý rời Madrid để trở về Serbia, tham dự tiệc sinh nhật của bạn gái xinh đẹp Sofija Milosevic. Hành động dại dột này khiến Luka Jovic đang bị điều tra và nhiều khả năng đối mặt với án tù.
Với hashtag #Covidiot, dân mạng lan truyền hàng nghìn bức ảnh cho thấy người dân tụ tập tại các bãi biển tắm nắng, đến công viên ngắm hoa anh đào hay cùng nhau leo núi. Không khẩu trang, không khoảng cách xã hội, những người này bị chỉ trích vì khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, ngày càng khó kiểm soát.
SCMP mới đây đã dùng từ này để chỉ làn sóng những người Hồng Kông ồ ạt tổ chức và tham gia các cuộc tụ tập xã hội giữa lúc dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, đám đông đổ xô ra các bãi biển, các danh lam thắng cảnh chật kín người. “Cho đến nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta đã biết đến thuật ngữ mới ‘Covidiot’. Từ tiếng lóng này mô tả nhóm người có những phản ứng không phù hợp trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Và Hồng Kông, với tình trạng này, không lâu nữa sẽ là một ví dụ đáng buồn cho sự tự mãn, ăn mừng quá sớm để rồi kết thúc thất bại”, theo SCMP.
Một dạng người khác cũng được xem là ‘Covidiot’, đó là những kẻ liên tục lan truyền những thông tin sai sự thật - fakenews, khiến dư luận hoang mang vì những thứ không hề có thật.
Đan Thuỳ