Giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza trong tháng 5 đem đến cái nhìn thoáng qua về hình thái xung đột trong tương lai.
“Đây là lần đầu tiên trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng rộng rãi cho một nhiệm vụ tác chiến”, sĩ quan Israel cấp cao nói với tạp chí Nikkei Asian Review. Phía Israel sử dụng công nghệ này trong đánh chặn tên lửa và xác định mục tiêu, kinh nghiệm thực chiến sẽ giúp cải thiện tính chính xác.
Cuộc giao tranh 11 ngày chứng kiến Hamas phóng hơn 4.000 quả tên lửa, Israel đáp trả bằng hàng loạt đợt không kích.
Quân đội Israel dựa vào hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) bắn hạ 90% số tên lửa phóng đi từ Dải Gaza. AI lấy thông tin từ hệ thống radar để xác định quỹ đạo của tên lửa, tập trung xử lý tên lửa hướng đến khu vực đông dân cư và bỏ qua tên lửa được đánh giá chỉ rơi ở nơi không người. Mỗi quả tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống trị giá đến hơn 50.000 USD, vì vậy bỏ qua mục tiêu vô nghĩa giúp giảm thiểu chi phí.
Tấn công của Hamas làm chết 12 người trên lãnh thổ Israel. Viên sĩ quan cấp cao thừa nhận: “Phòng thủ của chúng tôi không hoàn hảo, nhưng đây là cơ hội thu thập dữ liệu thời gian thực “huấn luyện” cho các thuật toán AI”.
Israel còn dùng AI tổ chức tấn công. Lượng lớn dữ liệu do con người thu thập cùng thông tin địa lý (từ vệ tinh, cảm biến và nhiều nguồn khác) được phân tích, cung cấp hình ảnh 3D về Gaza góp phần tìm ra vị trí nơi Hamas đặt bệ phóng tên lửa. Trí tuệ nhân tạo cũng giúp chọn ra vũ khí tối ưu cho cuộc tấn công, xác định tuyến đường an toàn cho lực lượng ngoài trận địa.
Theo sĩ quan Israel cấp cao: “Chúng tôi dùng mọi thứ có thể thu thập được. Chúng tôi cần lên kế hoạch rất chính xác nhằm giảm thiểu nguy cơ gây thương vong cho dân thường”. Ông không phủ nhận khả năng lấy dữ liệu điện thoại di động cá nhân của người sống tại Dải Gaza.
Israel nổi tiếng với nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ, quan hệ giữa quân đội và doanh nghiệp tư nhân lại đang ngày càng sâu sắc. Viên sĩ quan cấp cao cho biết họ nhận các thuật toán AI từ công ty khởi nghiệp, ông còn tiết lộ quân đội Israel đang cân nhắc khả năng hợp tác với công ty nước ngoài và xuất khẩu công nghệ.
Sử dụng AI cho hoạt động quân sự là vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu. Vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng giúp tăng hiệu quả chiến đấu và giảm chi phí, nhưng không ít người lo ngại nguy cơ công nghệ bị lạm dụng, trở nên thiếu kiểm soát.