Hãng tin Deutsche Welle chỉ ra cuộc tấn công lực lượng Hamas thực hiện cuối tuần trước có ảnh hưởng không nhỏ đến chính quyền Palestine (PA).
Từ sau cuộc tấn công, trên khắp Bờ Tây xảy ra hàng loạt vụ đụng độ khiến 54 người thiệt mạng. Quân đội Israel thông báo bắt giữ 280 người Palestine trong đó có 157 thành viên Hamas. Diễn biến vừa qua là dấu hiệu cho thấy PA đang mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà họ quản lý.
Được thành lập năm 1994 nhờ Hiệp định Oslo I giữa chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine, PA giữ vai trò cơ quan quản lý lâm thời nhằm đặt nền móng cho quốc gia Palestine độc lập trong tương lai. Nhưng theo nhà phân tích Steven Höfner (tổ chức Konrad Adenauer Foundation) thì những gì xảy ra một tuần nay lại chứng tỏ cơ quan này “chẳng liên quan gì cả”.
Ông phân tích: “PA hầu như không công khai lên tiếng về cuộc tấn công của Hamas, và Tổng thống Mahmoud Abbas khi lên tiếng thì lại khá dè dặt, không đề cập hay lên án Hamas. Làm vậy họ duy trì được hiện trạng. Nói cho cùng thì PA chỉ quan tâm đến giữ vững quyền lực của chính mình mà thôi. Họ chẳng thể giành quyền kiểm soát Bờ Tây”.
Một tuần sau cuộc tấn công mới có phát ngôn từ Tổng thống Abbas. Hãng thông tấn WAFA đưa tin trong điện đàm với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, ông tuyên bố chính sách cùng hành động của Hamas không đại diện cho người dân Palestine. Tuy nhiên sau đó hãng Reuters phát hiện tuyên bố này đã bị xóa.
Hy vọng về quốc gia Palestine độc lập đã tan vỡ từ lâu, nhiều người chẳng còn tin vào PA nữa. Báo chí đưa tin hàng loạt cuộc biểu tình ở Bờ Tây gần đây bày tỏ sự ủng hộ với cuộc tấn công của Hamas. Một quan chức PA nói tuần báo The Economist: “Chúng tôi mong Hamas không làm điều đó (tấn công Israel). Nhưng khi Israel đáp trả thì đây không được coi là cuộc tấn công chống lại Hamas mà là một phần của cuộc chiến kéo dài 75 năm nhằm vào quốc gia Palestine”.
Hứng chịu chỉ trích, mất dần ủng hộ
Vài năm gần đây PA hứng chịu không ít chỉ trích. Năm 2021, Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết Hội đồng độc lập về Nhân quyền thống kê được 129 đơn khiếu nại hành vi bắt tùy tiện ở Bờ Tây và 80 đơn ở Dải Gaza, chủ yếu liên quan đến quyền tự do ngôn luận cùng tự do hội họp.
Nhà phân tích Höfner nói rằng PA đã xa rời quần chúng, chỉ phục vụ lợi ích thiểu số: “Cơ quan này không còn là một thể chế dân chủ và mất tính hợp pháp từ lâu. Người dân sống trên các vùng lãnh thổ Palestine chẳng còn tin PA, đảng Fatah hay Tổng thống Abbas có thể đem lại triển vọng gì cho tương lai”.
Theo giới chuyên gia, các nhóm như Hamas lợi dụng sự bất mãn của người Palestine với PA và Tổng thống Abbas để củng cố vị thế chính trị lẫn quân sự của mình. Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện do Konrad Adenauer Foundation hợp tác Trung tâm Nghiên cứu khảo sát và Chính sách Palestine thực hiện tháng trước cho kết quả 78% người Palestine được hỏi muốn Tổng thống Abbas từ chức, chỉ 42% cân nhắc tham gia bỏ phiếu nếu bầu cử diễn ra. Nếu bầu cử đi đến vòng hai, 58% sẽ bỏ phiếu cho thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh – cao hơn hẳn so với 37% chọn Tổng thống Abbas.