CureVac hôm 17.6 cho biết vắc xin COVID-19 của họ chỉ có hiệu quả 47% trong thử nghiệm giai đoạn cuối, thất bại trong mục tiêu chính của nghiên cứu và gây nghi ngờ về khả năng cung cấp hàng trăm triệu liều cho Liên minh châu Âu (EU).

CureVac thử nghiệm vắc xin COVID-19 thất bại với hiệu quả chỉ 47%, cổ phiếu giảm 50,6%

Nhân Hoàng | 17/06/2021, 08:03

CureVac hôm 17.6 cho biết vắc xin COVID-19 của họ chỉ có hiệu quả 47% trong thử nghiệm giai đoạn cuối, thất bại trong mục tiêu chính của nghiên cứu và gây nghi ngờ về khả năng cung cấp hàng trăm triệu liều cho Liên minh châu Âu (EU).

Hiệu quả đáng thất vọng của vắc xin được gọi là CVnCoV xuất hiện từ một phân tích tạm thời dựa trên 134 trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu với khoảng 40.000 tình nguyện viên ở châu Âu và châu Mỹ Latinh.

Kỳ vọng đặt vào CureVac và những người mua vắc xin tiềm năng của công ty Đức ở châu Âu đã tăng lên sau khi giới hạn độ tuổi được áp dụng với vắc xin Johnson & Johnson và AstraZeneca do có liên quan đến trường hợp rối loạn đông máu cực kỳ hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.

Vắc xin của CureVac từng được kỳ vọng sẽ giúp ích cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những nơi bị tụt hậu xa so với các nước giàu có hơn trong nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.

Là hợp đồng cung cấp lớn duy nhất của CureVac, EU vào tháng 11.2020 đã bảo đảm tới 405 triệu liều vắc xin, trong đó 180 triệu là tùy chọn. Tiếp theo là EU ký một biên bản ghi nhớ với Đức về 20 triệu liều vắc xin khác từ CureVac.

Cổ phiếu CureVac được giao dịch tại Mỹ đã giảm 50,6% xuống còn 46,81 USD trong giao dịch sau giờ làm việc sau khi công bố dữ liệu về vắc xin.

curevac-that-bai-trong-thu-nghiem-vac-xin-voi-hieu-qua-chi-47.jpg
Hiệu quả vắc xin CVnCoV chỉ đạt hiệu quả 47% trong  thử nghiệm giai đoạn cuối

Công ty Đức cho biết có ít nhất 13 biến thể vi rút gây ra các ca nhiễm bệnh trong dân số được nghiên cứu.

Trong số các ca mắc COVID-19 được báo cáo ở cuộc thử nghiệm, 124 trường hợp đã được giải trình tự để xác định biến thể gây nhiễm trùng. Một ca được cho là do phiên bản gốc của SARS-CoV-2 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, trong khi 57% trường hợp là do các biến thể có khả năng lây truyền cao hơn, đáng lo ngại.

CureVac nói thêm rằng các kết quả tạm thời cho thấy vắc xin có hiệu quả ở những người tham gia trẻ tuổi nhưng không chứng minh được hiệu quả ở những người trên 60 tuổi, nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất với bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

"Trong khi hy vọng vào kết quả tạm thời mạnh mẽ hơn, chúng tôi nhận ra rằng việc chứng minh hiệu quả cao trong sự đa dạng chưa từng có của các biến thể là một thách thức. Khi chúng tôi đang tiếp tục tiến tới phân tích cuối cùng với tối thiểu 80 trường hợp bổ sung, hiệu quả chung của vắc xin có thể thay đổi", Franz-Werner Haas, Giám đốc điều hành CureVac, nói.

Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), cho biết các biến thể không giải thích hoàn toàn về tỷ lệ hiệu quả. Ông vẫn muốn xem dữ liệu cụ thể về khả năng ngăn chặn bệnh hiểm nghèo, nhập viện và tử vong của CureVac.

Tiến sĩ Amesh Adalja nói: "Nếu nó có thể làm được điều đó, ngay cả hiệu quả 47% với bệnh có triệu chứng, thì đó vẫn là điều rất có giá trị. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn vắc xin làm được".

Tiến sĩ Peter Hotez, nhà vi rút học và là hiệu trưởng của Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor (Mỹ), nói không rõ vấn đề là do biến thể cụ thể hay vắc xin không có khả năng tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2000, CureVac có trụ sở tại thành phố Tuebingen (Đức) đã tập trung vào cái gọi là RNA thông tin (mRNA), công nghệ này cũng đứng sau thành công của BioNTech (Đức) và đối tác Pfizer (Mỹ) cũng như Moderna (Mỹ) mà vắc xin đã chứng minh hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Trước khi xuất hiện các loại vắc xin hiệu quả cao, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã nhắm mục tiêu hiệu quả ít nhất 50%, điều mà CureVac đã không đạt được trong phân tích tạm thời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang tìm kiếm vắc xin hiệu quả ít nhất 70%.

Trong khi các thử nghiệm giai đoạn cuối với vắc xin BioNTech - Pfizer và Moderna được tiến hành khi phiên bản gốc của SARS-CoV-2 đang chiếm ưu thế, dữ liệu thực tế đến nay cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin yếu hơn với các biến thể mới.

Được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư Dietmar Hopp, Quỹ Gates và GlaxoSmithKline cũng như chính phủ Đức, CureVac đã đặt mục tiêu sản xuất tới 300 triệu liều vắc xin vào năm 2021 và lên đến 1 tỉ liều vào năm 2022 .

Các đối tác sản xuất bao gồm tập đoàn Celonic và Novartis (Thụy Sĩ); Bayer, Wacker và Rentschler Biopharma SE (Đức); Fareva (Pháp).

Hãng dược GSK (Anh) đã đồng ý hợp tác với CureVac để sản xuất cũng như phát triển các vắc xin thế hệ tiếp theo. Một phát ngôn viên của GSK cho biết ban đầu, dữ liệu tiền lâm sàng cho thấy khả năng sinh miễn dịch tăng gấp 10 lần so với lần đầu.

Ông nói: “Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp vắc xin COVID-19 thế hệ thứ hai sớm nhất là vào nửa cuối năm 2022, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý”.

Bài liên quan
'Nhiều nước xem xét hạn chế tiêm vắc xin của AstraZeneca, dùng Pfizer và Moderna'
"Nhiều quốc gia, chẳng hạn như Pháp và Đức, đang xem xét việc tiêm vắc xin mRNA vì sự sẵn có nhiều hơn của vắc xin này".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CureVac thử nghiệm vắc xin COVID-19 thất bại với hiệu quả chỉ 47%, cổ phiếu giảm 50,6%