Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã cứu một bé trai mới 4 ngày tuổi, sinh non, cân nặng chỉ có 2,4kg nhưng bị nhiễm trùng nặng, viêm ruột, hoại tử nhiều nơi, suýt thủng ruột.
Chiều 5.9, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay vừa kịp thời phẫu thuật cứu sống bé trai sơ sinh 4 ngày tuổi, cân nặng 2,4kg rơi vào tình trạng nguy kịch do viêm ruột, hoại tử nhiều nơi và sắp bị thủng.
Theo bác sĩ Nguyễn Hiền - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, bé được chuyển từ bệnh viện tuyến trước đến với chẩn đoán theo dõi thủng ruột do viêm ruột hoại tử.
Mẹ bé có tiền căn tiền sản giật và khám thai định kỳ, ghi nhận nhiễm HIV. Tình trạng bé tại khoa cấp cứu rất nguy kịch, bé suy hô hấp trầm trọng phải thở máy, tình trạng nhiễm trùng rất nặng, hình ảnh chụp phim bụng kiểm tra cho thấy có rất nhiều hơi trong thành ruột và nghi ngờ có thủng ruột. Các bác sĩ trong đêm trực đã tiến hành hội chẩn, hồi sức tích cực và tiến hành phẫu thuật cấp cứu trong đêm cho bé.
"Bệnh nhi có hơn 20cm đoạn cuối ruột non và 10cm đầu ruột già viêm hoại tử sắp thủng, các đoạn ruột còn lại viêm nhiều nơi, các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ đoạn ruột hoại tử làm hậu môn nhân tạo. Tình trạng bé sau phẫu thuật phục hồi, dần ổn định”, bác sĩ Hiền thông tin.
Theo bác sĩ Hiền đây là trường hợp nặng vì bé sanh non nhẹ cân, nhiễm trùng nặng, ruột viêm hoại tử nhiều nơi. Do bé có khả năng đang nhiễm HIV nên được phẫu thuật tại phòng phẫu thuật dành riêng cho các bé có bệnh truyền nhiễm, quy trình xử lý chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt tránh lây nhiễm.
TS-BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ sanh non, cân nặng thấp và thường có tiền căn sanh ngạt, có bệnh lý về tim mạch.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 15 trường hợp viêm ruột hoại tử phải phẫu thuật.
Bệnh liên quan tới nhiều vấn đề như: nuôi dưỡng đường ruột; trẻ suy hô hấp kéo dài; giảm lưu lượng máu ở hệ thống tạng (sanh ngạt, bệnh lý đa hồng cầu) hoặc trong bệnh cảnh nhiễm trùng nặng.
Triệu chứng bệnh viêm ruột hoại tử thường gặp là nôn trớ, tiêu phân lỏng, chướng bụng, dịch dạ dày màu xanh, thành bụng cứng, đổi màu xanh hoặc nề đỏ (là những dấu hiệu gợi ý thủng ruột), đi tiêu phân máu.
Các dấu hiệu toàn thân không đặc hiệu cũng có thể xuất hiện như: ngưng thở hoặc suy hô hấp, li bì, rối loạn thân nhiệt: sốt hoặc hạ thân nhiệt, nhịp tim giảm, tụt huyết áp do sốc nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, trong bệnh cảnh nặng, bệnh nhi có thể bị suy hô hấp và suy tuần hoàn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Thạch lưu ý người nhà khi nuôi dưỡng trẻ sinh non cần thận trọng khi dùng thuốc; cần thận trọng khi nuôi dưỡng trẻ đẻ non bằng đường ruột. “Cho trẻ ăn số lượng lớn và tăng nhanh số lượng với thời gian không hợp lý sẽ là nguy cơ gây viêm ruột hoại tử. Sữa mẹ có nhiều yếu tố bảo vệ (IgA, IgG, IgM…) là sữa duy nhất làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ đẻ non”, bác sĩ Thạch nói.