Các tài liệu của tòa án cho thấy Elon Musk đã thảo luận với đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Twitter - Jack Dorsey về những thay đổi trên nền tảng trước khi hỏi mua giá 44 tỉ USD.

Cựu CEO Twitter cố đưa Elon Musk vào hội đồng quản trị 1 năm trước thương vụ 44 tỉ USD

Sơn Vân | 30/09/2022, 20:46

Các tài liệu của tòa án cho thấy Elon Musk đã thảo luận với đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Twitter - Jack Dorsey về những thay đổi trên nền tảng trước khi hỏi mua giá 44 tỉ USD.

Elon Musk và Jack Dorsey đã trao đổi riêng về Twitter trước khi Giám đốc điều hành Tesla đưa ra lời đề nghị mua lại công ty truyền thông xã hội với 44 tỉ USD, hồ sơ tòa án mới tiết lộ.

Tập hợp các tin nhắn văn bản trao đổi giữa hai người dường như cho thấy Jack Dorsey đã cố gắng đưa Elon Musk vào hội đồng quản trị Twitter ít nhất một năm trước khi tỷ phú giàu nhất thế giới đề nghị mua lại công ty vào tháng 4 vừa qua.

Trong một tin nhắn được gửi vào ngày 26.3.2022, Jack Dorsey đã viết cho Elon Musk rằng: “Cần phải có một nền tảng mới. Nó không thể là một công ty. Đó là lý do tại sao tôi rời đi".

Jack Dorsey giải thích rằng ông nghĩ Twitter nên là một “giao thức nguồn mở” và không thể dựa trên mô hình quảng cáo như hầu hết công ty truyền thông xã hội.

Elon Musk trả lời bằng cách nói rằng sẽ "muốn giúp đỡ nếu tôi có thể".

Jack Dorsey nói rằng đã cố gắng để Elon Musk tham gia công ty một năm trước đó.

Bạn quan tâm rất nhiều, hiểu được tầm quan trọng của nó và có thể giúp đỡ theo những cách không thể đo lường được”, Jack Dorsey nhắn với Elon Musk trước khi tiết lộ rằng hội đồng quản trị “không thích rủi ro” đã bác bỏ ý tưởng này.

Jack Dorsey nghĩ rằng thật là "hoàn toàn ngu ngốc và ngược đời" khi hội đồng quản trị Twitter coi việc đưa Elon Musk vào đó làm tăng thêm rủi ro cho công ty và tuyên bố rằng đây là thời điểm ông quyết định từ chức giám đốc điều hành. Jack Dorsey rời Twitter vào tháng 11.2021.

Các tin nhắn cũng gợi ý rằng Jack Dorsey đã cố gắng mời Elon Musk tham gia vào hội đồng quản trị trong khi Twitter đang chiến đấu với công ty quản lý đầu tư Elliott Management vào năm 2020 của người sáng lập Paul Singer. Lúc đó, Elliott Management tìm cách phế truất Jack Dorsey khỏi vai trò giám đốc điều hành và làm cho mảng kinh doanh của Twitter có lợi hơn.

"Tôi đã cố gắng hết sức để đưa bạn vào hội đồng quản trị của chúng tôi và hội đồng quản trị đã nói không", Jack Dorsey viết.

Hơn một tuần sau khi trao đổi tin nhắn với Jack Dorsey, Elon Musk thông báo rằng ông dự định tham gia hội đồng quản trị Twitter. Cuối cùng, Giám đốc điều hành SpaceX đã thay đổi hướng đi và đề nghị mua lại Twitter để thay đổi các chính sách của gã khổng lồ truyền thông xã hội mà ông cho là thù địch với quyền tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, dù đồng ý mua Twitter với giá 44 tỉ USD ở mức 54,20 USD/cổ phiếu, Elon Musk quyết định rút lui khỏi thỏa thuận một tháng sau đó khi giá cổ phiếu  công ty này giảm mạnh.

Các luật sư của Elon Musk đã lập luận rằng ông đã hiểu sai về Twitter và viện dẫn những lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật cùng số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này.

Sau đó, Twitter kiện Elon Musk và buộc ông phải hoàn tất thương vụ với giá đề xuất ban đầu.

tin-nhan-cuu-ceo-co-dua-elon-musk-vao-hoi-dong-quan-tri-twitter.jpg
Lộ tin nhắn Jack Dorsey cố đưa Elon Musk vào hội đồng quản trị Twitter ít nhất 1 năm trước khi tỷ phú giàu nhất thế giới hỏi mua công ty với giá 44 tỉ USD

Các cổ đông Twitter đã chấp thuận việc mua lại công ty của Elon Musk, Twitter cho biết hôm 13.9 sau một cuộc họp đặc biệt trực tuyến.

Công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ đã kiện Elon Musk vì đã chấm dứt thỏa thuận, trong khi Giám đốc điều hành Tesla cáo buộc Twitter trình bày sai số lượng tài khoản spam và giả trên dịch vụ của mình.

Đầu tháng 9, thẩm phán Kathaleen McCormick của Tòa án Thủ hiến Delaware nói rằng Elon Musk có thể sử dụng các tuyên bố từ Peiter Zatko (cựu giám đốc an ninh Twitter) trong vụ kiện chống lại Twitter, nhưng bác bỏ yêu cầu trì hoãn phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 17.10.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 13.9 để thảo luận về những cáo buộc rằng Twitter đánh lừa các nhà quản lý, Peiter Zatko nói một số nhân viên công ty lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc sẽ có thể thu thập dữ liệu về người dùng trên nền tảng này.

Twitter trước đây bị chỉ trích vì bảo mật lỏng lẻo, đáng chú ý nhất là vào năm 2020 khi các hacker tuổi teen chiếm quyền kiểm soát hàng chục tài khoản cấp cao, bao gồm cả hồ sơ đã được xác minh của cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama.

Lời khai của Zatko trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 13.9 tiết lộ các vấn đề an ninh của Twitter có thể nghiêm trọng hơn nhiều, cáo buộc rằng Twitter đã được thông báo về các đặc vụ chính phủ Trung Quốc đang làm việc tại công ty truyền thông xã hội này.

Trong lời khai của mình, Zatko đã tham khảo một câu chuyện từ hãng tin Reuters kể chi tiết các cuộc xung đột nội bộ giữa một số nhóm muốn tối đa hóa cơ hội thu nhập quảng cáo từ các nhà quảng cáo Trung Quốc và những người khác lo ngại về việc kinh doanh bên trong Trung Quốc vào bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Đây là một câu hỏi hóc búa lớn trong nội bộ”, Zatko nói, đồng thời cho biết thêm công ty không muốn quay lưng lại với Trung Quốc, thị trường nước ngoài phát triển nhanh nhất về doanh thu quảng cáo.

Tóm lại sẽ có vấn đề nếu chúng tôi mất nguồn doanh thu đó”, ông nói.

Zatko tiết lộ rằng một tuần trước khi bị Twitter sa thải, ông đã biết FBI từng nói với công ty rằng một đặc vụ của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (hay MSS), cơ quan gián điệp chính đất nước này, đang có biên chế tại Twitter.

Hiện vẫn chưa rõ liệu đặc vụ Trung Quốc bị cáo buộc có còn làm việc tại Twitter hay không.

Zatko cũng nói rằng ông nhớ lại cuộc trò chuyện với một lãnh đạo Twitter về những lo ngại gián điệp nước ngoài đang ở bên trong công ty. Theo Zatko, vị này trả lời: "Chà, vì chúng ta đã có một người rồi, nếu chúng ta có nhiều hơn thì có vấn đề gì?".

Người phát ngôn Twitter cho biết phiên điều trần "chỉ xác nhận rằng những cáo buộc của Zatko có mâu thuẫn và không chính xác". Người này nói thêm rằng quy trình tuyển dụng của Twitter độc lập với ảnh hưởng từ nước ngoài và quyền truy cập vào dữ liệu được quản lý thông qua kiểm tra lý lịch cùng hệ thống giám sát và phát hiện.

Khi được hỏi liệu có tin rằng điều gì đó tốt đẹp sẽ đến từ phiên điều trần không, Zatko nói: "Tôi hy vọng như vậy. Về cơ bản, tôi đang mạo hiểm sự nghiệp và danh tiếng của mình. Nếu điều gì đó tốt đẹp xuất hiện sau 5 hoặc 10 năm sau này, nó sẽ rất đáng giá".

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley lưu ý rằng Giám đốc điều hành Twitter - Parag Agrawal đã từ chối xuất hiện tại phiên điều trần vì lo ngại điều đó có thể gây nguy hiểm cho vụ kiện tụng của công ty chống lại Elon Musk.

Chuck Grassley cho biết nhiều cáo buộc của Zatko liên quan trực tiếp đến Parag Agrawal và nếu những tuyên bố đó là đúng thì "tôi không biết làm thế nào mà ông ấy có thể giữ vị trí của mình tại Twitter trong tương lai”.

Trước đó, Twitter nói Zatko bị sa thải vì "khả năng lãnh đạo kém và hiệu suất làm việc kém" và những cáo buộc của ông dường như nhằm gây hại cho Twitter.

"Ông Zatko bị sa thải khỏi vai trò điều hành cấp cao của mình tại Twitter vào tháng 1.2022 vì khả năng lãnh đạo kém hiệu quả và hiệu suất làm việc kém. Những gì chúng tôi đã thấy cho đến nay là một câu chuyện sai sự thật về Twitter cũng như các thực tiễn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của chúng tôi có nhiều mâu thuẫn, không chính xác và thiếu ngữ cảnh quan trọng”, công ty cho biết.

Đơn khiếu nại của người tố giác Zatko dường như chứa hơn hai trang liên kết đến các tài liệu hỗ trợ, chẳng hạn email giữa Zatko với Giám đốc điều hành Parag Agrawal và đánh giá về thông tin sai lệch trên Twitter. Số lượng tài liệu bị hạn chế so với những tài liệu được cung cấp bởi Frances Haugen, người tố giác Facebook, vốn phát hành hàng ngàn trang tài liệu nội bộ.

Bài liên quan
Elon Musk lần thứ 3 gửi thư chấm dứt thỏa thuận 44 tỉ USD với Twitter
Các luật sư của Elon Musk vừa gửi thông báo chấm dứt hợp đồng lần thứ ba tới Twitter trong nỗ lực chấm dứt thương vụ mua lại công ty truyền thông xã hội trị giá 44 tỉ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu CEO Twitter cố đưa Elon Musk vào hội đồng quản trị 1 năm trước thương vụ 44 tỉ USD