Starlink, chòm sao internet vệ tinh do SpaceX vận hành, được phóng vào tháng 10.2020 và có hơn 400.000 người dùng trên toàn thế giới.
Elon Musk cho biết trên Twitter rằng SpaceX đến nay đã sản xuất hơn 1 triệu thiết bị đầu cuối dành cho người dùng Starlink, kết nối với các vệ tinh của công ty trên quỹ đạo.
Starlink có thể là một lựa chọn cho những người sống ở vùng sâu vùng xa không có quyền truy cập vào băng thông rộng giá cả phải chăng.
Đạt tốc độ đến 175 Mbps
SpaceX, công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk thành lập, có một mạng internet vệ tinh tốc độ cao, mở rộng trong không gian được gọi là Starlink. Các vệ tinh trên quỹ đạo bao quanh Trái đất và cung cấp kết nối băng thông rộng cho người dùng, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn không có kết nối đường dây cố định.
SpaceX đã phóng vệ tinh đầu tiên của mình vào tháng 5.2019 và hiện có hơn 2.900 vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Mục tiêu là có tới 42.000 vệ tinh vào giữa năm 2027.
Các vệ tinh được gắn vào tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX và phóng lên quỹ đạo, thường kèm theo 60 cái cho mỗi lần phóng.
Khi dịch vụ bắt đầu, SpaceX cho biết trong một email gửi tới những người đăng ký thử nghiệm Starlink beta rằng họ sẽ mong đợi tốc độ từ 50 đến 150 Mbps (megabit mỗi giây), đã tính đến sự cố gián đoạn.
Thế nhưng, một số người dùng đạt tốc độ cao hơn nhiều. Starlink thậm chí đạt tốc độ 175 Mbps trong điều kiện nhiệt độ đóng băng, gió lớn và tuyết.
Chi phí biến động
Phí đăng ký Starlink là 110 USD mỗi tháng và 600 USD khác cho bộ Starlink, bao gồm giá ba chân, bộ định tuyến Wi-Fi và thiết bị đầu cuối.
Dịch vụ này có giá cao hơn những gì Starlink tính phí người dùng ban đầu vào tháng 10.2020. Khách hàng trước đây đã trả trước 600 USD cho bộ dụng cụ và đăng ký hàng tháng.
Vào tháng 3, SpaceX nói với khách hàng rằng đang tăng giá, với những khách hàng mới đang trả trước 710 USD. Tuy nhiên, giá đã được giảm vào cuối tháng 8 cho người dùng ở Mỹ và Châu Âu.
Starlink dành cho các hãng hàng không và du lịch
SpaceX đã hỏi Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) vào tháng 3.2021 liệu có thể mở rộng Starlink sang ngành công nghiệp ô tô hay không. Vào tháng 6, cơ quan này đã cấp quyền cho SpaceX sử dụng Starlink trên các phương tiện đang chuyển động.
Kể từ năm ngoái, Starlink đã ký hợp đồng với các hãng như Royal Caribbean, Hawaiian Airlines và dịch vụ máy bay phản lực khu vực bán tư nhân JSX để cung cấp Wi-Fi cho hành khách. Công ty cũng đã đàm phán với hãng Delta và Frontier Airlines.
Starlink sử dụng ăng ten có thể gắn trên xe, tàu và máy bay. Elon Musk tweet rằng các ăng ten sẽ không kết nối ô tô điện Tesla với Starlink vì các thiết bị đầu cuối "quá lớn".
“Điều này dành cho máy bay, tàu thủy, xe tải lớn và xe RV”, tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết. Elon Musk cũng tweet rằng ông đang thử nghiệm Starlink trên máy bay riêng của mình.
Xe RV là loại xe được thiết kế với đầy đủ tiện nghi giống như nhà di động để phục vụ chuyến đi du lịch dài ngày.
Kích hoạt ở Ukraine và Iran
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, SpaceX đã cung cấp hàng ngàn thiết bị đầu cuối Starlink cho người dân Ukraine. Điều này xảy ra bất chấp việc Nga đang tăng cường nỗ lực tấn công mạng.
Phó thủ tướng Ukraine, Mykhailo Fedorov, đã thỉnh cầu Elon Musk vào tháng 2 gửi các thiết bị đầu cuối Starlink tới Ukraine. Đáp lại, Elon Musk cho biết Starlink đã được kích hoạt ở Ukraine và các thiết bị đầu cuối hứa hẹn đang được triển khai. Đến tháng 6, SpaceX đã chuyển giao 15.000 thiết bị đầu cuối Starlink cho Ukraine.
Các báo cáo cho thấy Starlink đã giúp đỡ quân đội Ukraine. Một ví dụ là nhà báo nói rằng Starlink đã giúp các binh sĩ Ukraine trực tuyến trong khi Nga tấn công cơ sở hạ tầng internet.
Một binh sĩ Ukraine nói rằng dịch vụ Starlink đã "thay đổi cuộc chiến có lợi cho Ukraine" vì giúp quân đội trực tuyến trong bối cảnh Nga không kích vào cơ sở hạ tầng Ukraine. Bình luận này do nhà báo tự do người Anh - David Patrikarakos đưa tin từ thành phố Dnipro (Ukraine).
"Tôi muốn nói một điều: Starlink của Elon Musk là thứ đã thay đổi cuộc chiến có lợi cho Ukraine", Dima nói và tiết lộ anh đã chiến đấu cùng các lực lượng Ukraine kể từ tháng 3.2022.
"Nga đã hết cách làm nổ tung tất cả thiết bị truyền tải thông tin của chúng tôi. Giờ thì họ không thể. Starlink hoạt động dưới hỏa lực của pháo phản lực Katyusha, dưới hỏa lực pháo binh. Nó thậm chí còn hoạt động ở thành phố Mariupol", Dima nói.
Ông Mykhailo Fedorov nói với tờ The Washington Post rằng Starlink tỏ ra "rất hiệu quả" với Ukraine trong bối cảnh cuộc tấn công từ Nga.
Các vệ tinh đã trực tiếp hỗ trợ lực lượng Ukraine trong chiến đấu.
Tờ Times of London hồi tháng 3 đưa tin một đơn vị máy bay không người lái tinh nhuệ của Ukraine đang sử dụng Starlink để tiêu diệt hàng chục mục tiêu Nga vào ban đêm.
"Nếu chúng tôi sử dụng máy bay không người lái có tầm nhìn nhiệt vào ban đêm, máy bay không người lái phải kết nối thông qua Starlink với pháo binh và tạo ra việc thu nhận mục tiêu", lãnh đạo đơn vị này nói với tờ Times of London.
Elon Musk vừa cho biết sẽ kích hoạt Starlink tại Iran cùng lúc sự cố mất mạng ở nước này, đáp lại tweet từ Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken rằng Mỹ đã hành động "để thúc đẩy tự do internet và luồng thông tin tự do" cho người Iran.
Hôm 23.9, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn mở rộng các dịch vụ internet có sẵn cho người dân Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ với nước này. Sự việc diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra ở Iran sau cái chết của cô gái 22 tuổi bị cảnh sát giam giữ.
Các phóng viên báo cáo tóm tắt của quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Sự hiểu biết về Starlink là những gì họ cung cấp sẽ là cấp thương mại và đó sẽ là phần cứng không được đề cập trong giấy phép chung. Vì vậy đó sẽ là thứ mà họ cần phải ghi vào kho bạc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết giấy phép cập nhật đó tự được thực hiện và "bất kỳ ai đáp ứng các tiêu chí nêu trong giấy phép chung này đều có thể tiếp tục các hoạt động mà không cần yêu cầu thêm quyền".
Elon Musk không đưa ra bình luận hoặc giải thích rõ ràng về việc Starlink được phép hoạt động tại Iran.
Trước đó, người dân Iran phẫn nộ vì việc cô Mahsa Amini (22 tuổi) qua đời tại bệnh viện, vài ngày sau khi bị “cảnh sát đạo đức” bắt giữ vì vi phạm quy định về khăn trùm đầu.
Mahsa Amini cùng gia đình tới thủ đô Tehran để thăm họ hàng thì bị bắt vì không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về trang phục phụ nữ. Các nhân chứng nói rằng Mahsa Amini đã bị đánh trong xe cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát phủ nhận cáo buộc này và cho biết Mahsa Amini mắc bệnh khi ở cùng những phụ nữ bị giam giữ khác tại đồn cảnh sát.
Theo tổ chức nhân quyền Hrana, trong thời gian bị bắt, cảnh sát nói với gia đình Mahsa Amini rằng cô sẽ được thả sau “buổi học tập cải tạo”. Sau đó, họ nói cô bị đau tim. Tuy nhiên, gia đình Mahsa Amini phản đối và cho biết cô rất khỏe mạnh và không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Gia đình Mahsa Amini nhận thông báo cô được đưa tới bệnh viện vài giờ sau khi bị bắt. Cô phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Kasra. Nhân viên bệnh viện sau đó báo với gia đình rằng cô bị chết não.
Những bức ảnh chụp Mahsa Amini nằm trên giường bệnh đã lan truyền trên mạng xã hội Iran. Cái chết của cô đã thu hút sự chú ý của nhiều người nổi tiếng và chính trị gia nước này.
Mahmoud Sadeghi, chính trị gia theo chủ nghĩa cải cách và cựu nghị sĩ, đã kêu gọi lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei lên tiếng về vụ việc.
Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình hô vang, trong khi các tài xế bấm còi xe tại quảng trường Tehran gần bệnh viện trước đám đông cảnh sát.
Truyền thông nhà nước đưa tin Bộ Nội vụ và công tố viên đã điều tra vụ việc.
Sự việc này diễn ra sau vài tuần Tổng thống Iran - Ebrahim Raisi kêu gọi thực thi nghiêm ngặt hơn nữa quy định bắt buộc về trang phục. Theo luật áp dụng từ năm 1979, phụ nữ “có nghĩa vụ” phải che tóc, mặc quần áo dài và rộng. Những người vi phạm phải đối mặt quở trách công khai, phạt tiền hoặc bị bắt giữ.
Sau chuyện trên, một số người trên Twitter đã đề nghị Elon Musk cung cấp các trạm internet vệ tinh ở Iran. Hôm 19.9, Elon Musk cho biết Starlink sẽ yêu cầu miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran để cung cấp dịch vụ vệ tinh băng thông rộng của công ty tại quốc gia này.
Quyền truy cập mạng xã hội và một số nội dung bị hạn chế chặt chẽ ở Iran. Nhóm giám sát internet NetBlocks đã báo cáo sự gián đoạn "gần như hoàn toàn" với kết nối internet ở thủ đô Tehran hôm 19.9, liên kết nó với các cuộc biểu tình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng nếu SpaceX xác định rằng một số hoạt động nhắm vào người Iran cần một giấy phép cụ thể thì "Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) sẽ hoan nghênh và ưu tiên cho nó".
"Đồng thời, nếu SpaceX xác định rằng hoạt động của mình đã được ủy quyền và có bất kỳ câu hỏi nào, OFAC cũng hoan nghênh sự tham gia đó", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
OFAC là một bộ phận của Bộ Tài chính Mỹ, thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại với các quốc gia cùng các nhóm cá nhân liên quan đến khủng bố, ma túy và các hoạt động gây tranh cãi khác.