Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã đề nghị HĐXX xử phạt Trần Văn Tám (cựu Tổng giám đốc VEC) từ 5 năm 6 tháng đến 7 năm tù theo tội danh truy tố.

Cựu Tổng giám đốc VEC bị đề nghị mức án đến 7 năm tù

Nhã Thanh | 19/10/2023, 19:10

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã đề nghị HĐXX xử phạt Trần Văn Tám (cựu Tổng giám đốc VEC) từ 5 năm 6 tháng đến 7 năm tù theo tội danh truy tố.

Chiều 19.10, HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội (VKS) đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với 22 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

cao-toc-gd2-5-.jpg
Vụ án được xét xử tại trụ sở TAND TP.Hà Nội - Ảnh: N.A

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng giám đốc VEC) từ 3 - 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 2 năm 6 tháng - 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng mức án đề nghị là 5 năm 6 tháng - 7 năm tù.

Bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Tổng giám đốc VEC) bị đề nghị xử phạt 36 tháng nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo còn lại bị VKS đề nghị xử phạt từ 24 – 30 tháng (nhưng cho hưởng án treo) đến 7 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo VKS, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc trên đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông.

Ở giai đoạn 2, quá trình thi công dự án, các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu…

Ngoài ra, khi tiến hành nghiệm thu, các bị cáo không thực hiện đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu. Có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện ban quản lý dự án. Hội đồng nghiệm thu cơ sở không tiến hành nghiệm thu hoàn thành chuyển bước giai đoạn thi công tổng thể nền đường (kết thúc thi công lớp đất nền K98), tổng thể mặt đường (kết thúc thi công VTO).

cao-toc-gd2-4-.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Nguyên nhân hư hỏng do đâu?

Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng giám đốc VEC) cho biết Bộ GT-VT là đơn vị chủ quản của VEC. Đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng trước bộ.

Theo bị cáo Tám, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án trọng điểm quốc gia. Thời điểm ông làm Tổng giám đốc thì giai đoạn 2 mới bắt đầu nghiệm thu.

Sau khi đưa công trình vào khai thác đã có một số đoạn hư hỏng trên mặt đường. Ông Tám cho rằng nguyên nhân do một số loại nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định Trần Văn Tám là người trực tiếp phụ trách dự án, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở. Ngoài các sai phạm chung, Trần Văn Tám còn ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác, kết luận cao tốc "đáp ứng yêu cầu thiết kế, đảm bảo kỹ thuật"; ký văn bản gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước, đánh giá chất lượng công trình "đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế".

Theo VKS, Hội đồng nghiệm thu cơ sở do Trần Văn Tám làm chủ tịch, thậm chí còn chưa họp để đánh giá chất lượng công trình. Tám ký hồ sơ nghiệm thu và thanh toán hơn 45 tỉ đồng cho 5 gói thầu, trong khi chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn. Do đó, cáo trạng kết luận số tiền này là thiệt hại mà Trần Văn Tám phải chịu trách nhiệm.

Kết luận giám định của Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nêu những hư hại của công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, gồm nền đường lẫn nhiều đá không được loại bỏ, vật liệu thi công không phù hợp chất lượng, kích cỡ, đá dăm gia cố lớp xi măng bị nứt dọc, nứt ngang...

Với trách nhiệm là người đứng đầu VEC trong giai đoạn xảy ra sai phạm, Trần Văn Tám đã thừa nhận trách nhiệm "liên đới" và đã cùng gia đình nộp khắc phục hậu quả 600 triệu đồng.

cao-toc-gd2-2-.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: N.A

Một số nhà thầu từ chối bồi thường cho VEC

Tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, đoạn từ TP.Tam Kỳ đến TP.Quảng Ngãi, dài hơn 72 km được chia làm 5 gói thầu.

Cụ thể, gói A1 giá trị 47,5 tỉ đồng do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CC1) và Lotte E&C (Hàn Quốc) cùng thực hiện. Gói A2 giá trị 129 tỉ đồng, do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) thực hiện.

Gói A3 trị giá 85 tỉ đồng, do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thực hiện. Gói A4 trị giá 127 tỉ đồng, do tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) thực hiện và Gói A5 trị giá 71 tỉ đồng, do Posco E&C (Hàn Quốc) thực hiện.

Tại tòa, đại diện của VEC cho biết nếu xác định được các nhà thầu thi công 5 gói thầu trên có sai phạm, vi phạm hợp đồng và pháp luật, gây thiệt hại cho VEC thì các nhà thầu này phải bồi thường theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.

Phản đối quan điểm này, theo đại diện của Lotte E&C, đơn vị đã thực hiện toàn bộ theo đúng hợp đồng, có kiểm tra chất lượng từng giai đoạn. Theo hợp đồng, Lotte sẽ bảo hành 2 năm sau khi đưa vào sử dụng, trong thời gian 2 năm đó, Lotte không nhận được phản ánh gì về sai sót, hỏng hóc hay sửa chữa bảo trì phát sinh trên gói thầu Lotte đảm nhiệm.

Về phần mình, đại diện của POSCO E&C phản đối phương pháp tiến hành giám định không logic, không phù hợp dẫn đến kết quả giám định không chính xác. Cụ thể, bản thân Posco và cả VEC có thuê đơn vị giám định độc lập, đều đưa ra kết luận con đường đạt yêu cầu, vận hành ổn định.

Bài liên quan
Cựu lãnh đạo VEC hầu tòa trong vụ án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi giai đoạn 2
Trong vụ án này, Viện KSND tối cao truy tố 22 bị cáo, trong đó có 2 cựu Tổng giám đốc VEC.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Tổng giám đốc VEC bị đề nghị mức án đến 7 năm tù