Đại dịch là cơ hội để thử nghiệm những công nghệ và cách tiếp cận hợp tác xuyên biên giới có thể dẫn tới tương lai an toàn hơn, bền vững hơn và dung hợp toàn cầu hơn – theo The Economist.

Đại dịch sẽ đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Quỳnh Yên | 07/10/2021, 11:44

Đại dịch là cơ hội để thử nghiệm những công nghệ và cách tiếp cận hợp tác xuyên biên giới có thể dẫn tới tương lai an toàn hơn, bền vững hơn và dung hợp toàn cầu hơn – theo The Economist.

Lý thuyết cân bằng động do các nhà sinh học Stephen Jay Gould và Niles Eldredge đề xuất năm 1972, theo đó các cơ thể sống có xu hướng trải qua một số lượng tương đối lớn những biến đổi mang tính tiến hóa trong những khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi, căng thẳng. Gould và Eldredge lập luận rằng tiến hóa không phải là một tiến trình thường xuyên, đều đặn mà xảy ra trong những giai đoạn khi một loài ở trong môi trường căng thẳng cao độ hoặc đặc biệt là khủng hoảng.

Loài người hiện đang trải qua một giai đoạn như vậy, do đại dịch COVID-19. Những áp lực sâu sắc mà các cá nhân, tổ chức và các xã hội phải đối mặt trong cơn khủng hoảng này đang đẩy nhanh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (4IR), xóa nhòa ranh giới giữa thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Tình hình cấp bách hiện tại buộc chúng ta phải xem xét sự cần thiết của những thay đổi mang tính cơ cấu trong quan hệ của chúng ta với môi trường và cách mà chúng ta ứng xử như là một cộng đồng toàn cầu.

Đại dịch đang buộc tất cả chúng ta đánh giá xem chúng ta dựa đến mức nào vào những công nghệ của thế kỷ 21 – trí thông minh nhân tạo, internet vạn vật, mạng xã hội, các nền tảng học kỹ thuật số, thực tế tăng cường và thực tế ảo, máy bay không người lái, in 3D và nhiều nhiều thứ khác nữa – để giữ cho mình khỏe mạnh và biến đổi các nền kinh tế. Bối cảnh chưa từng có đang vừa thúc đẩy chúng ta trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ kỹ thuật số, sinh học và vật lý vừa phải sáng tạo hơn nhiều trong cách sử dụng những công nghệ mới xuất hiện ấy để tạo nên giá trị theo những cách mới.

Hơn 7 tỉ người đang sống trong những quốc gia đã thực hiện những hạn chế khác thường đối với sự đi lại của dân chúng và hơn 1/3 thế giới đang bị phong tỏa nghiêm ngặt. Để đáp lại, những hệ thống đã chống lại sự thay đổi trong hàng thập niên đã chuyển sang chế độ ảo. Làm việc chung bằng hội nghị video? Xưa rồi. Học từ xa? Hơn 1,5 tỉ học sinh sinh viên hiện đang làm như vậy. Các tổ chức ở mọi lĩnh vực đang xây dựng những khả năng kỹ thuật mới, làm chủ các công nghệ kỹ thuật số và phát triển mô hình kinh doanh của mình bằng những bước đi không thể tưởng tượng được, chỉ cách đây ít tháng.

Con vi rút đang đưa hàng loạt hình mẫu công nghệ mới vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở khắp mọi nơi. Những mạng lưới các nhà dịch tễ học đang theo dấu con vi rút corona bằng công nghệ phân tích chuỗi gen với chi phí thấp, qua đó cũng thúc đẩy việc ra đời một số ứng viên vắc xin hứa hẹn nhất. Các nhà nghiên cứu và các y bác sĩ đang sử dụng học máy (machine learning) để tìm kiếm trong các kho lưu trữ những bài báo khoa học đã xuất bản về COVID-19, chẳng hạn như 47.000 bài báo đã được sắp xếp bởi CORD-19 (Kho dữ liệu mở tìm kiếm về COVID-19). Những mạng lưới phi chính thức gồm những người hoạt động theo sở thích và các doanh nghiệp chế tạo đang sử dụng các máy in 3D để làm ra hàng chục ngàn kính che mặt (face shield) giúp bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu. Và trong một bước đi chưa có tiền lệ, Apple và Google đã liên kết với nhau để phát minh ra một ứng dụng truy vết tiếp xúc cho các hệ điều hành điện thoại thông minh.

Sự bùng nổ sáng chế này khởi đầu khi dịch COVID-19 ném nhân loại vào chỗ chưa từng biết tới. Trong những giai đoạn lịch sử mà sự cân bằng bị xáo trộn mạnh mẽ, các tổ chức và các nền kinh tế đã vật lộn để sống còn.

Nhưng chúng ta là những sinh vật công nghệ biết làm cho môi trường thích nghi với nhu cầu của chúng ta. Các nhà khoa học đã gọi thời kỳ hiện tại của chúng ta là “thế Nhân sinh” (Anthropocene) vì con người là lực lượng áp đảo hình thành nên các hệ sinh thái của hành tinh. Từ đó, những ai thích nghi thành công thì không chỉ sẽ phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (4IR) mà còn định hình nó nữa.

covax.jpg
Chương trình COVAX của LHQ giúp cung cấp vắc xin phòng chống COVID-19 cho các nước nghèo thể hiện sự hợp tác toàn cầu trong đại dịch - Ảnh: ft.com

Vấn đề là định hình nó thành cái gì?

Một sự chọn lựa mang tính sống còn mà loài người phải thực hiện là làm thế nào để nối kết trở lại với thế giới tự nhiên.

Các gói kích thích khổng lồ đang được các chính phủ trên khắp thế giới triển khai liệu có bao gồm việc tái trang bị đủ kỹ năng về 4IR cho người mới được tuyển dụng để thúc đẩy nền kinh tế xanh toàn cầu?

Hay là, trong cơn vội vã quay về “trạng thái bình thường”, các quốc gia sẽ nới lỏng các tiêu chuẩn về môi trường và biện hộ cho sự hoang phí nhân danh tăng trưởng kinh tế ngắn hạn?

Đại dịch chứng minh cần có sự hợp tác cao đến mức độ nào để các xã hội liên thuộc sâu sắc có thể xử lý và hồi phục được từ những cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, phức tạp và theo cấp số nhân. Thực tế con vi rút không có biên giới chính là một lý do nữa để con người phải đầu tư cho những nguyên tắc được mài giũa lại một cách mạnh mẽ và cho những cơ chế hợp tác toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng này phải thúc đẩy tất cả chúng ta cùng thăm dò một hình thức toàn cầu hóa mới cho thế kỷ 21, một cuộc toàn cầu hóa đặt ưu tiên cho đầu tư tập thể vào hàng hóa công toàn cầu – bao gồm hàng hóa công nghệ và hàng hóa luân lý – vì lợi ích của tất cả. Sự hội nhập toàn cầu như vậy phải tạo điều kiện cho những cổ đông đa dạng từ khu vực công, khu vực tư đến khu vực phi lợi nhuận trên khắp thế giới cùng nhau làm việc hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Đại dịch cũng có mặt tích cực. Một trong số đó là cơ may thử nghiệm những công nghệ và các tiếp cận hợp tác xuyên biên giới có khả năng dẫn tới tương lai an toàn hơn, bền vững hơn và dung hợp toàn cầu hơn.

Hợp tác khoa học, nỗ lực hướng đến mục đích và lãnh đạo chính trị sẽ đưa chúng ta ra khỏi đại dịch chính là những công cụ có thể mở khóa cho thành công trong việc giảm bất bình đẳng, làm cho xã hội thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu và phục hồi môi trường tự nhiên về trạng thái cân bằng hơn. Chúng ta phải tạo ra sự cân bằng động mới nhằm tối ưu hóa những lợi ích của 4IR toàn bộ và bền vững.

Đại dịch COVID-19 là một thử thách lớn cho tất cả chúng ta với tư cách là một giống loài và là một cơ hội để thay đổi. Liệu chúng ta có nắm lấy cơ hội?

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại dịch sẽ đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4