Nghiên cứu mới khẳng định những hành tinh đại dương có khí quyển giàu hydro ngoài hệ Mặt trời có thể là nơi tiềm năng cho phát triển sự sống ngoài Trái đất.

Đại học Cambridge công bố dấu hiệu mới về sự sống ngoài trái đất

Hoàng Vũ (theo Sputnik) | 28/08/2021, 15:36

Nghiên cứu mới khẳng định những hành tinh đại dương có khí quyển giàu hydro ngoài hệ Mặt trời có thể là nơi tiềm năng cho phát triển sự sống ngoài Trái đất.

Khi nhân loại tìm kiếm dấu tích của sự sống ngoài hành tinh trong thiên hà, các nhà nghiên cứu có xu hướng tập trung vào những hành tinh có kích thước, khối lượng, nhiệt độ và thành phần khí quyển tương tự trái đất. Tuy nhiên nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Vật lý thiên văn của các nhà khoa học từ Đại học Cambridge (Anh) cho thấy cái gọi là “thế giới Hycean” có thể là một ứng cử viên đầy hứa hẹn.

Những ngoại hành tinh Hycean lớn gấp 2,5 lần Trái đất và có đại dương nước lỏng khổng lồ bên dưới bầu khí quyển giàu hydro. Các nhà khoa học cho biết những hành tinh Hycean dường như cực kỳ phong phú trong dải ngân hà và có thể là nơi chứa sự sống của vi sinh vật tương tự "những sinh vật ái cực" phát triển mạnh trong một số điều kiện khắc nghiệt nhất vốn gây hại cho đa phần sự sống trên Trái đất.

tai-xuong.jpg
Ảnh mô phỏng bề mặt một hành tinh nóng và được đại dương bao phủ - Ảnh: Sputnik

"Một số điều kiện trong đại dương của những hành tinh kiểu này có thể giống điều kiện sinh sống được trong đại dương của Trái đất, tức là nhiệt độ và áp suất tương tự, sự hiện diện của nước, năng lượng từ ngôi sao. Những hành tinh Hycean mở ra một con đường hoàn toàn mới trong việc tìm kiếm sự sống ở nơi khác", nhà thiên văn học Nikku Madhusudhan từ Viện Thiên văn của Đại học Cambridge - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Tiến sĩ Madhusudhan giải thích thêm rằng sau khi xác định được các hành tinh Hycean dạng này, điều tiếp theo là tìm kiếm các hợp chất đại diện cho sự sống như ozone, oxy... Tuy nhiên nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh vào 2 hợp chất khác ít được quan tâm mà cũng có thể đại diện cho sự sống, đó là methyl clorua và dimethyl sunfua.

“Một phát hiện về sinh học sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về sự sống trong vũ trụ. Chúng ta cần phải cởi mở sự nhận thức về nơi chúng ta mong đợi để tìm thấy sự sống và hình thức mà sự sống có thể diễn ra”, Madhusudhan nói.

Các dấu hiệu sinh học này có thể được phát hiện nhờ bước sóng ánh sáng của chúng, khi kính thiên văn thu thập dữ liệu quang phổ của hành tinh. Các tác giả cho rằng siêu kính viễn vọng James Webb trị giá 9,8 tỉ USD của NASA đang được hoàn tất và chuẩn bị phóng lên vũ trụ trong thời gian gần sẽ là công cụ đủ sức mạnh để cho ra câu trả lời cuối cùng.

“Thật thú vị khi các điều kiện sinh sống có thể tồn tại trên những hành tinh rất khác so với Trái đất”, đồng tác giả nghiên cứu Anjali Piette cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại học Cambridge công bố dấu hiệu mới về sự sống ngoài trái đất