Một nghiên cứu cho thấy những người nhiễm biến thể Delta của SARS-CoV-2 có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với những người nhiễm chủng Alpha (lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào năm ngoái).
Dựa trên hơn 43.000 ca mắc COVID-19 của hầu hết những người chưa được tiêm chủng ở Anh, nghiên cứu đã so sánh nguy cơ nhập viện của những người nhiễm biến thể Delta (xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ) với những người nhiễm chủng Alpha.
Anne Presanis, một trong những tác giả chính của nghiên cứu và là nhà thống kê của Đại học Cambridge (Anh), cho biết: “Phân tích của chúng tôi nhấn mạnh rằng trong trường hợp không tiêm chủng, bất kỳ đợt bùng phát Delta nào cũng sẽ tạo ra gánh nặng cho việc chăm sóc sức khỏe hơn là Alpha”.
Nghiên cứu dựa trên các ca mắc COVID-19 từ tháng 3 đến tháng 5.2021 trong giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ở Anh, nên không thể đánh giá thêm nguy cơ nhập viện với những người đã tiêm một liều vắc xin.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet. Đây là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay để phân tích các ca mắc COVID-19 được xác nhận bằng giải trình tự bộ gen của vi rút.
Anh đang bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch tiêm tăng cường vắc xin COVID-19 vào cuối năm nay sau khi các cố vấn vắc xin hàng đầu cho biết có thể cần phải tiêm mũi thứ ba cho người cao tuổi và dễ bị tổn thương nhất từ tháng 9.2021.
Theo các nhà nghiên cứu ở Anh, khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 được cung cấp bởi hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech và AstraZeneca giảm dần đi trong vòng 4 - 6 tháng, nhấn mạnh nhu cầu tiêm nhắc lại.
Sau 5 đến 6 tháng tiêm liều thứ hai, hiệu quả của vắc xin Pfizer trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 giảm từ 88% xuống 74%, theo một phân tích dữ liệu thu thập trong nghiên cứu ZOE COVID (Anh). Với vắc xin AstraZeneca, hiệu quả giảm từ 77% xuống 67% sau 4 đến 5 tháng tiêm liều thứ hai.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ hơn 1,2 triệu kết quả thử nghiệm.
Phân tích dữ liệu trước đây đã gợi ý rằng vắc xin cung cấp khả năng bảo vệ trong ít nhất 6 tháng.
Theo Tim Spector, điều tra viên chính của nghiên cứu ZOE COVID, trong trường hợp xấu nhất, khả năng bảo vệ có thể giảm xuống dưới 50% với người lớn tuổi và nhân viên y tế vào mùa đông.
Tim Spector nói với đài truyền hình BBC: "Chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ và thấy khả năng bảo vệ đang dần suy yếu trong khi các ca bệnh cùng khả năng lây nhiễm vẫn còn cao".
Xét riêng với biến thể Delta, nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) dựa trên hơn 3 triệu mẫu gạc mũi và họng được lấy trên khắp nước Anh cho thấy 90 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai của vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm chủng này đã giảm xuống lần lượt là 75% và 61%. Tỷ lệ này giảm lần lượt từ 85% và 68%, được thấy 2 tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Sự suy giảm hiệu quả rõ rệt hơn ở những người từ 35 tuổi trở lên so với những người dưới độ tuổi đó.
Sarah Walker, Giáo sư thống kê y khoa và trưởng điều tra viên của Đại học Oxford (Anh), cho biết: “Cả hai loại vắc xin này với liều lượng tiêm hai mũi vẫn hoạt động tốt trong việc chống lại biến thể Delta”.
Các nghiên cứu không dự đoán khả năng bảo vệ sẽ giảm bao nhiêu theo thời gian.
Nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta đang gia tăng, nghiên cứu chỉ ra rằng những người nhiễm bệnh dù đã được tiêm vắc xin đầy đủ có xu hướng có tải lượng vi rút tương tự người chưa được chủng ngừa mắc COVID-19.
Các phát hiện của Đại học Oxford phù hợp với phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và được đưa ra khi chính phủ Mỹ lên kế hoạch triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường cho toàn bộ người dân vào tháng tới trong bối cảnh các ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng.
Dù vậy, một nghiên cứu mới được đăng trên medRxiv cho thấy những người đã tiêm vắc xin đầy đủ nhiễm COVID-19 đột phá có vi rút mức độ cao trong mũi và cổ họng nhưng không phải tất cả vi rút đó đều có thể lây nhiễm.
Trong số 24.706 nhân viên y tế được tiêm vắc xin đầy đủ tại Hà Lan, 161 người nhiễm COVID-19 đột phá có triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng. Mức độ vi rút trên các mẫu tăm bông phết mũi và họng của những bệnh nhân này cũng cao như ở những nhân viên y tế chưa được tiêm chủng đã nhiễm SARS-CoV-2 gốc vào năm ngoái.
Song trong các thí nghiệm, vi rút ở bệnh nhân COVID-19 được tiêm vắc xin đầy đủ kém hiệu quả hơn trong việc tự sản sinh so với vi rút ở người không được chủng ngừa. Các nhà nghiên cứu suy đoán điều này có thể do một số vi rút đã bị vô hiệu hóa bởi các kháng thể từ vắc xin.