Hôm 13.4, Trung Quốc lên án những nỗ lực của Đài Loan trong việc ngăn chặn các công ty "săn trộm" nhân tài và đánh cắp bí mật chip là hành động "bôi nhọ".
Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng điều này không thể ngăn cản tương tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Lãnh đạo cơ quan hành pháp Đài Loan - Tô Trinh Xương trong tuần này kêu gọi nhanh chóng thông qua các sửa đổi luật quy định các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn để ngăn Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip của họ, nói rằng mối đe dọa từ "chuỗi cung ứng đỏ" cần có một biện pháp răn đe hiệu quả.
Ông Tô Trinh Xương nói trong một cuộc họp rằng "chuỗi cung ứng đỏ" - ám chỉ Trung Quốc - đang sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để "xâm nhập" vào Đài Loan, săn nhân tài và đánh cắp công nghệ của họ. Các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp với nhau để điều tra.
Ông Tô Trinh Xương yêu cầu cơ quan tư pháp làm việc cùng cơ quan lập pháp để đảm bảo các sửa đổi với luật được đề xuất vào tháng 2.2022 được thông qua "vào ngày sớm nhất".
Các cơ quan khác, bao gồm cả cơ quan kinh tế và Hội đồng hoạch định chính sách Trung Quốc ở đại lục, cần tăng hình phạt với các công ty Trung Quốc giả danh Đài Loan để "săn trộm" nhân tài "nhằm có tác dụng răn đe", ông nói thêm.
Cơ quan lập pháp Đài Loan đang đề xuất tội danh mới với "gián điệp kinh tế" theo luật an ninh hòn đảo, đưa ra hình phạt lên tới 12 năm tù cho những người làm rò rỉ công nghệ cốt lõi cho Trung Quốc hoặc "thế lực thù địch nước ngoài".
Chip do Đài Loan sản xuất được sử dụng trong mọi thứ, từ máy bay chiến đấu đến điện thoại di động. Chính quyền hòn đảo từ lâu đã lo lắng về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm sao chép thành công, bao gồm cả hoạt động gián điệp kinh tế, "săn trộm" nhân tài và các phương pháp khác.
Trước động thái trên, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc nói rằng chính quyền hòn đảo này đã tăng cường các nỗ lực nhằm cản trở, phá hoại các hoạt động trao đổi và hợp tác.
"Gần đây, họ đã cố tình bôi nhọ và đe dọa các công ty Trung Quốc ở Đài Loan, làm leo thang thêm cuộc đối đầu xuyên eo biển và gây rắc rối. Sự thao túng chính trị như vậy không thể cản trở xu hướng giao lưu và hợp tác chung giữa đồng bào hai bên eo biển, sẽ chỉ làm tổn hại đến lợi ích sống còn của cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan và đồng bào trên đảo", người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc - Ma Xiaoguang nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Vào tháng 2.2022, cơ quan hành pháp Đài Loan đã đề xuất tăng cường các quy tắc, trong bối cảnh Đài Bắc gia tăng lo ngại rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động gián điệp kinh tế.
Là quê hương của TSMC (công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) và chiếm 92% công suất sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, Đài Loan sở hữu những gì Trung Quốc cần - đó là chuyên môn về chip.
Mục tiêu của Bắc Kinh là có khả năng tự chủ về chip tiên tiến, được Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump trước đây. Điều này cộng với tình trạng thiếu chip toàn cầu đã làm gia tăng sự tranh giành nhân tài kỹ thuật.
Vào tháng 12.2020, Đài Loan đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm thuộc Cục điều tra của Cơ quan tư pháp để giải quyết nạn chảy máu chất xám. Các trường hợp mà lực lượng này đã kiểm tra hoặc thẩm vấn đại diện cho "phần nổi của tảng băng", theo lời một quan chức của lực lượng này. Cục Điều tra cho biết bình luận của quan chức thể hiện quan điểm của họ.
Áp lực quân sự gia tăng từ Trung Quốc càng củng cố quyết tâm của Đài Loan trong việc bảo vệ vị thế tối cao về chip - một tài sản quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ vì phần lớn hoạt động sản xuất chip của họ diễn ra trên hòn đảo.
Tháng trước, lực lượng đặc nhiệm Đài Loan đã tiến hành hoạt động lớn nhất từ trước đến nay - một cuộc đột kích vào 8 công ty nhằm chống lại "các hoạt động săn đón tài năng và đánh cắp bí mật bất hợp pháp của Trung Quốc".
Việc các công ty Trung Quốc thuê kỹ sư Đài Loan không phải là bất hợp pháp. Tuy nhiên, luật pháp Đài Loan cấm đầu tư của Trung Quốc vào một số bộ phận chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm cả thiết kế chip và yêu cầu đánh giá các lĩnh vực khác như đóng gói chip, khiến các công ty chip Trung Quốc rất khó hoạt động hợp pháp trên hòn đảo này.
Trung Quốc tăng cường sức ép quân sự và ngoại giao để cố gắng buộc Đài Loan phải chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của mình.
Chính quyền Đài Loan cho biết chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của mình và họ sẽ tự vệ nếu bị tấn công.