Trang Bloomberg đưa tin, các nhà lập pháp Đài Loan vừa thông qua đạo luật với loạt quy định mới cho phép các công ty chip nội địa chuyển 25% chi phí nghiên cứu - phát triển (R&D) hàng năm của mình thành tín dụng thuế. Đây là một phần trong nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ bán dẫn, giữ công nghệ tiên tiến ở lại.
Đạo luật có hiệu lực ngay từ năm 2023. Công ty chip tại Đài Loan có thể dùng 5% số tín dụng thuế nêu trên mua sắm thiết bị mới dùng cho công nghệ tiên tiến, tuy nhiên, tín dụng thuế không được vượt quá 50% tổng số thuế thu nhập hàng năm.
Mua sắm thiết bị là khoản chi phí lớn nhất trong thiết lập một xưởng chip. Theo Bloomberg, chỉ riêng máy in thạch bản cực tím (EUV) do công ty Hà Lan ASML độc quyền sản xuất đã có giá gần 200 triệu USD.
Bloomberg dẫn lời cơ quan kinh tế Đài Loan: “Trong bối cảnh Mỹ, Nhật, Hàn và Liên minh châu Âu (EU) đều đưa ra ưu đãi lớn nhằm xây dựng ok chuỗi cung ứng trong nước, Đài Loan nên tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành chip. Loạt quy định mới sẽ giúp khuyến khích công ty Đài Loan tiếp tục gắn bó với quê hương hơn”.
Vài năm gần đây, chính quyền nhiều quốc gia tung ra ưu đãi cho hoạt động sản xuất chip ngay tại nước họ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung sản phẩm bán dẫn tiên tiến từ Đài Loan, tránh nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong tương lai.
Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan) cố gắng xoa dịu lo ngại bằng cách xây thêm cơ sở sản xuất ở Mỹ và Nhật, sắp tới có thể ở Đức.
Trước rủi ro TSMC đem theo công nghệ tiên tiến nhất ra đi cùng nỗi lo mất “lá chắn silicon”, Đài Loan nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu với các biện pháp như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, và động thái mới nhất chính là thông qua đạo luật chip.