Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã chia sẻ với Newsweek lộ trình để chấm dứt chiến tranh với Ukraine của Điện Kremlin.
Quốc tế

Đại sứ Nga: Con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine rất ‘chông gai’

Hoàng Vũ (theo Newsweek) 19/06/2024 15:50

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã chia sẻ với Newsweek lộ trình để chấm dứt chiến tranh với Ukraine của Điện Kremlin.

“Có một con đường dẫn đến hòa bình, ngay cả khi nó rất chông gai”, ông Antonov nói với Newsweek.

dai-su-nga-tai-my.png
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov - Ảnh: AFP

Đại sứ Nga cũng bác bỏ các sáng kiến ​​của phương Tây nhằm có lợi cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ gần đây. Ông coi ý tưởng tổ chức cuộc họp là “hoàn toàn mang tính cơ hội, tạo ra ảo tưởng về sự ủng hộ rộng rãi đối với 'công thức hòa bình' nhằm dập tắt mọi nghi ngờ về tính hợp pháp của chính phủ Ukraine vốn đang đổ vỡ về chính trị lẫn kinh tế”.

“Đất nước chúng tôi chưa bao giờ tránh đối thoại với Ukraine, do đó, mọi nỗ lực đưa ra tối hậu thư cho Nga đều không có cơ sở”, đại sứ Antonov nói, đồng thời nêu quan điểm của Moscow về cuộc xung đột, trong đó cáo buộc Mỹ và các đồng minh phương Tây đã tạo điều kiện cho chiến tranh bằng cách theo đuổi việc mở rộng về phía đông của liên minh quân sự NATO và ủng hộ các cuộc biểu tình lật đổ chính phủ Ukraine thân thiện với Nga vào năm 2014.

Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine đầu năm 2022, một số vòng đàm phán trực tiếp giữa đại diện của Moscow và Kyiv đã được tổ chức ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không đạt được thành công. Một số kế hoạch hòa bình khác sau đó đã xuất hiện từ nước ngoài, song không có nỗ lực nào có thể khôi phục được các cuộc thảo luận trực tiếp giữa các quan chức Nga và Ukraine.

Đề xuất hòa bình của Tổng thống Nga Putin

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Vladimir Putin đã phát đi thông điệp rằng Nga sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán mới nhằm chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn không từ bỏ các yêu cầu cốt lõi của mình là giữ lại lãnh thổ đã tuyên bố chủ quyền, bao gồm Crimea và 4 vùng khác gồm: Donetsk (DPR), Luhansk (LPR), Kherson và Zaporizhzhia.

Ông Antonov tuyên bố các đề xuất của Điện Kremlin bao gồm: “Việc lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi 4 khu vực trên và khu vực Nga đã sáp nhập, xác nhận tình trạng của các khu vực Crimea, Sevastopol, DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye là chủ thể của Liên bang Nga; Kyiv không gia nhập NATO; Ukraine là quốc gia trung lập, không liên kết và không có hạt nhân; các biện pháp trừng phạt của phương Tây phải được dỡ bỏ; đảm bảo quyền, tự do và lợi ích của các công dân nói tiếng Nga”.

Về phần mình, phát biểu vào cuối hội nghị thượng đỉnh bàn về hòa bình ở Thuỵ Sĩ hôm 16.6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga chưa sẵn sàng cho một “hòa bình công bằng”, khẳng định Kyiv sẵn sàng đàm phán ngay lập tức nếu Moscow rút quân khỏi Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller coi việc Nga yêu cầu Ukraine đồng ý giải giáp vũ khí nhằm khiến Kyiv dễ bị tổn thương trong tương lai.

"Đây không phải là cơ sở hợp lý cho hòa bình. Nó thách thức Hiến chương Liên hợp quốc, thách thức đạo đức và lẽ thường cơ bản. Rõ ràng là Nga chưa chuẩn bị cho bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc, thiện chí nào”, ông Miller phát biểu ngày 17.6.

Mỹ và Ukraine đã khi ký một thỏa thuận mới bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần trước tại Ý, trong đó nêu rõ cam kết về việc Washington huấn luyện lực lượng Ukraine trong ít nhất một thập kỷ, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn trong quân sự và chia sẻ thông tin tình báo. Washington cũng khẳng định mong muốn kết nạp Ukraine vào NATO sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc.

“Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn. Một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine phải được bảo đảm bằng khả năng tự vệ của Ukraine”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 13.6.

Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố rằng thỏa thuận này tạo thành một con đường “đảm bảo hòa bình bền vững, và do đó, nó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trên thế giới vì cuộc chiến chống lại Ukraine là một mối đe dọa toàn cầu thực sự”.

Với những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng xung quanh cuộc xung đột, chính quyền Biden gần đây đã chấp thuận việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ để tấn công các mục tiêu trong biên giới được quốc tế công nhận của Nga sau khi Moscow đe dọa tấn công các mục tiêu phương Tây ở Ukraine và có thể xa hơn nữa.

Giới chức Mỹ và châu Âu cũng nhiều lần cảnh báo Nga có thể tìm cách mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng nếu không bị đánh bại ở Ukraine. Tuy nhiên, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã bác bỏ luận điểm trên khẳng định rằng chính Washington đang tìm cách củng cố chỗ đứng ở châu Âu, biến lục địa này thành “sân sau” của Mỹ.

Nga sẵn sàng đối thoại nhưng không vội vàng

Trong khi Nga và Ukraine tiếp tục duy trì quan điểm gần như trái ngược nhau về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, đại sứ Antonov vẫn quả quyết rằng Moscow sẵn sàng ngoại giao song ông nhấn mạnh "Nga không vội vàng".

“Nga theo đuổi đối thoại và hòa bình, nhưng không nên thảo luận vội vàng. Chúng tôi vẫn sẵn sàng cho một cuộc trò chuyện nghiêm túc và chu đáo. Chúng tôi không đặt ra bất kỳ thời hạn nào”, đại sứ Nga nói và lập luận. Một cuộc đối thoại hòa bình cần tập trung thảo luận rộng hơn về cấu trúc an ninh khu vực.

“Chúng tôi mời tất cả các bên quan tâm bắt đầu công việc xây dựng nền an ninh thực sự bình đẳng và không thể chia cắt ở Á-Âu, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau đối với tất cả mọi người. Hệ thống an ninh mới có thể trở thành nền tảng của một cấu trúc mới phản ánh quá trình chuyển đổi đa cực. Sẽ không có chỗ cho sự thống trị kinh tế và chính trị mạnh mẽ của từng quốc gia, cũng như sự phân mảnh thành các khối riêng biệt. Đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự bùng nổ của các cuộc xung đột quốc tế lớn”, đại sứ Nga tại Mỹ nói thêm.

Ông Antonov cũng cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine và hạn chế kinh tế đối với Nga, sẽ chỉ khiến mối đe dọa đối với an ninh quốc tế tiếp tục gia tăng.

“Nếu chúng tôi tiếp tục nghe thấy những luận điệu chống Nga và kêu gọi sử dụng thêm vũ khí của phương Tây nhằm vào Moscow cũng như việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại chúng tôi, thì rủi ro toàn cầu sẽ chỉ gia tăng. Tôi chắc chắn rằng điều này không mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân Mỹ”, quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Bài liên quan
Euro 2024: Nhờ thắng Scotland, Hungary có thể giành vé ngay đêm mai
Hungary có chiến thắng nghẹt thở trước Scotland tại lượt cuốt bảng A Euro 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa/phiên họp, những người có liên quan theo quy định.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại sứ Nga: Con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine rất ‘chông gai’