Số quốc gia tham dự hội nghị đã giảm từ 93 xuống còn 78, hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn tin từ trang Radio Liberty của Ukraine.
Thông tin trên do một số nhà ngoại giao giấu tên của EU tiết lộ với Radio Liberty. Một nhà ngoại giao cho biết số quốc gia đổi ý, không tham dự hội nghị có thể tăng lên.
Sergey Nikiforov, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, từ chối cung cấp số lượng quốc gia tham gia. “Chúng tôi không muốn nêu con số cuối cùng”, Nikiforov nói trên đài truyền hình Ukraine hôm 11.6.
Hội nghị hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra khu nghỉ dưỡng Burgenstock, gần thành phố Lucerne ở miền trung Thụy Sĩ trong hai ngày 15 và 16.6. Đây là hội nghị thứ 5 được tổ chức nhằm tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với các đề xuất hòa bình của Tổng thống Zelensky, trong đó bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga ra khỏi Ukraine. Các hội nghị trước đây kết thúc mà các quốc gia tham dự không thể thống nhất một giải pháp cụ thể.
Ông Nikiforov tiết lộ hội nghị thượng đỉnh về hòa bình được xây dựng dựa trên công thức hòa bình 10 điểm của ông Zelensky - lần đầu được giới thiệu ở cuộc họp G20 tháng 11.2022, trong đó có một số điều kiện như khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, binh sĩ Nga rút hoàn toàn và thiết lập một tòa án đặc biệt xét xử tội ác chiến tranh.
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết chương trình nghị sự của hội nghị được phát triển dựa theo kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine song có thể tập trung vào chủ quyền lãnh thổ, nền hòa bình công bằng ở Ukraine và duy trì hiến chương Liên Hợp Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh hoà bình ở Ukraine diễn ra ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc ở miền nam Ý, nơi lãnh đạo các nước G7 cũng sẽ thảo luận về tình hình xung đột ở Ukraine, đồng thời xem xét cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp viện trợ mới cho Kyiv.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ trước đó cho biết có 160 phái đoàn được tới dự hội nghị Burgenstock, bao gồm các phái đoàn từ các nước G7, G20 và BRICS. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là những nhà lãnh đạo G7 đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị này.
Theo các quan chức Thụy Sĩ, Nga không được mời tham gia. Nga cho rằng Thụy Sĩ không còn ở vị trí trung lập và tuyên bố không quan tâm tham dự hội nghị trên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ "hoàn toàn vô ích" khi không có sự tham gia của Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh sự kiện này là “con đường dẫn đến hư không”. Moscow nhiều lần khẳng định nước này chưa bao giờ từ chối tìm kiếm giải pháp hòa bình với Kyiv.
Trung Quốc, một quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Nga, tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Zelensky hồi tuần trước cáo buộc Bắc Kinh giúp Moscow phá hoại hội nghị thượng đỉnh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.