Nhiều đêm diễn, hoạt động triển lãm, trưng bày, phim ảnh... vinh danh môn nghệ thuật cổ truyền sẽ được tổ chức ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

Dàn sao tập luyện trước đêm diễn tôn vinh 100 năm cải lương ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Sơn Phạm | 11/01/2019, 13:02

Nhiều đêm diễn, hoạt động triển lãm, trưng bày, phim ảnh... vinh danh môn nghệ thuật cổ truyền sẽ được tổ chức ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

Trong hai ngày 9 và 10.1 nhiều tên tuổi vang bóng một thời của làng sân khấu cải lương đã tề tựu đông đủ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để tập luyện cho chuỗi hoạt động 100 năm cải lương.

Những cái tên quen thuộc như NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Hồng Nga, NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Tuấn, NSND Trọng Hiếu, NSƯT Thoại Miêu, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Thanh Điền, nghệ sĩ Tuấn Thanh ...và với sự đảm nhận của đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ trong vai trò tổng đạo diễn. Mặc dù trời khá nắng và nóng nhưng hầu hết các anh chị em nghệ sĩ đều có mặt đông đủ và đúng giờ để tập luyện.

Các nghệ sĩ tích cực tập luyện cho đêm diễn chính thức.

Mỗi người mỗi việc, mỗi phân đoạn và mỗi cảnh trí. Mặc dù tuổi caonhưng nghệ sĩ Ngọc Giàu cùng nhiều “cây đa cây đề” khác của làng cải lương Việt Nam đều rất hào hứng và “sung” khi luyện tập. Không chỉ hát rất ngọt ngào và đều giọng, các nghệ sĩ còn điêu luyện, uyển chuyển trong việc di chuyển và tập động tác sao cho oai hùng và mượt mà nhất có thể.

Có mặt tại sự kiện, khá đông bà con và khách du lịch cảm thấy vô cùng thu hút và tò mò. Hiếm khi khán giả được chứng kiến một sự hội tụ đầy đủ với các gương mặt đình đám, trụ cột của làng cải lương nước nhà cùng một lúc như thế. Thậm chí, nhiều khách du lịch nước ngoài còn hào hứng đứng xem các nghệ sĩ tập luyện và gật gù tấm tắc mặc dù không hiểu gì.

NSƯT Hoa Hạ

Theo ban tổ chức, đêm tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, diễn ra tại sân khấu ngoài trời trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối 13 và 14.1.2019sẽ là hoạt động chínhcủa chuỗi sự kiện. Chương trình do soạn giả Hoàng Song Việt, Hồng Phượng viết kịch bản.NSƯT Hoa Hạ cùng ban đạo diễn Lê Mỹ Phượng, Lê Nguyên Đạt, Lê Trung Thảo và Lê Việt phụ trách dàn dựng điều hành.Tân nhạc và phối khí do nhạc sĩ Thanh Liêm và Đức Trí phụ trách.Nhạc sĩ Văn Môn đảm nhận phần cổ nhạc, NSƯT Hải Phượng đàn tranh, cùng với dàn nhạc hồ quảng nghệ sĩ Thanh Dũng, hai đoàn cải lương Huỳnh Long và Minh Tơ.

Chương trình có tổng cộng hơn 400 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn, trong đó có 20 nghệ sĩ tiền bối như NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Diệu Hiền, NSƯT Trường Sơn, Thanh Kim Huệ, NSND Trọng Hiếu, Hồng Nga…; 80 NSƯT trẻ, 25 diễn viên đoạt HCV giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ; 100 diễn viên múa, 100 diễn viên quần chúng. Trong chương trình, ngoài trích đoạn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sẽ có phần biểu diễn của 8 đơn vị cải lương xã hội hóa.

Soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ: "Chúng tôi đã thống nhất sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương không thể tách rời khỏi sự thăng trầm của thời cuộc. Vì vậy, trong kịch bản chúng tôi đưa vào những giai đoạn có dấu ấn mà thời cuộc và sân khấu cải lương gắn liền với nhau.

Đó là khi đoàn Kim Thoa diễn vở Lấp sông Gianh (năm 1955), vở thể hiện khát khao của người dân mong đất nước độc lập, không chia cắt. Đoàn Kim Thoa đã bị tấn công bằng lựu đạn khiến nhiều văn nghệ sĩ thương vong, trong đó soạn giả Duy Lân bị mất một chân. Thứ hai là thời điểm 1978, NSƯT Thanh Nga ngã xuống sau khi diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga".

Tại chương trình, khán giả sẽ còn được thưởng thức phần tham gia biểu diễn 8 trích đoạn của các đơn vị xã hội hóa như công ty dịch vụ giải trí Kim Tử Long, Sen Việt, sân khấu Lê Hoàng, đoàn nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà, đoàn nghệ sĩ Vũ Luân, Thắp sáng niềm tin, đoàn Minh Tơ, đoàn Huỳnh Long và một trích đoạn của nhà hát Trần Hữu Trang.

“Hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương này ngoài việc chúng ta tri ân, tôn vinh nghệ thuật cải lương một cách có đầu tư và tâm huyết, còn thể hiện một suy nghĩ, một cách tạo động lực ở mức độ nào đó với văn nghệ sĩ, công chúng. Từ đó cho thấy chúng ta cần có những giải pháp mang tính chiến lược căn cơ, bền vững hơn để bảo tồn và phát triển cải lương trong thời gian tới”, NSƯT Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa TP.HCM cho biết.

Minh Anh - Ảnh BTC
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dàn sao tập luyện trước đêm diễn tôn vinh 100 năm cải lương ở phố đi bộ Nguyễn Huệ