Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong số ít nhà lãnh đạo vẫn chưa thực hiện chuyến công du nước ngoài nào sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19.

Dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chuẩn bị nới lỏng chính sách “Zero COVID”

Cẩm Bình | 08/09/2022, 11:25

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong số ít nhà lãnh đạo vẫn chưa thực hiện chuyến công du nước ngoài nào sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19.

Vì vậy, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tháng trước thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin sẽ góp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11 tới, giới quan sát bắt đầu tìm kiếm dấu hiệu Trung Quốc chuẩn bị thay đổi chính sách “Zero COVID”.

Triển vọng trên càng rõ ràng hơn khi Kazakhstan ngày 5.9 thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sang thăm quốc gia Trung Á này vào tuần tới – ngay sát thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Không có thông báo chính thức nào được đưa ra nhưng ông Tập có thể sang cả Uzbekistan dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Trước ông Tập, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư tuần qua cũng công du 4 nước.

da1200x-1.jpg
Chủ tịch Tập Cận Bình sắp công du nước ngoài sau hơn 2 năm - Ảnh: Bloomberg

Quan chức cấp cao Trung Quốc ít ra nước ngoài

Hơn 2 năm qua, giới chức Trung Quốc nghiêm túc thực thi mệnh lệnh đề phòng trường hợp nhiễm COVID-19 nhập cảnh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước. Vì vậy mà người nhập cảnh phải trải qua thời gian cách ly kéo dài. Nếu muốn đến thủ đô Bắc Kinh thì họ phải sang thành phố khác cách ly, đến lúc mã sức khỏe chuyển sang màu xanh mới được phép đến.

Hầu hết công dân Trung Quốc chỉ được phép ra nước ngoài để học tập, công tác hay thăm thân. Đi du lịch không được khuyến khích.

Quan chức cấp cao - ngoại trừ Ngoại trưởng Vương Nghị và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì - cũng ít ra nước ngoài. Chủ tịch Tập không rời khỏi đất nước từ sau chuyến thăm Myanmar hồi tháng 1.2020 và tháng 7 năm nay chỉ sang Hồng Kông.

Ngừng hoạt động ngoại giao trực tiếp đem lại hậu quả nghiêm trọng, vì Trung Quốc có vị thế quan trọng trên trường quốc tế và đang phải đối mặt với tình hình địa chính trị phức tạp.

Dấu hiệu thay đổi

Vài tháng gần đây bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thay đổi. Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn dẫn phái đoàn sang Hàn Quốc dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tháng 5, tháng 6 đến lượt Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc Huỳnh Nhuận Thu công du Mỹ.

Ngày 4.9, truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư tuần này sẽ dẫn phái đoàn 66 người công du Nga, Mông Cổ, Nepal, Hàn Quốc.

Đến nay chỉ có chuyến công du của ông Lật được truyền thông nhà nước đưa tin, chẳng có thông tin chính thức nào về chuyện Chủ tịch Tập Cận Bình ra nước ngoài.

daipd5dtqb75jjzl42r7fd3uxsse-165-3970-2473-1652260492_680x408.jpg
"Zero COVID" kéo dài suốt hơn 2 năm tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên giáo sư Trương Tác Phong thuộc Đại học California nhận xét dù sao đi nữa thì thông báo từ Tổng thống Widodo và Kazakhstan cũng là diễn biến tích cực, báo hiệu khả năng Trung Quốc sắp thay đổi “Zero COVID”.

Theo học giả Hoàng Diên Trung thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) thì các kế hoạch công du cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình tự tin ra nước ngoài hơn, có thể do ông đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên lại chẳng có dấu hiệu rõ ràng nào thể hiện khả năng “Zero COVID” sẽ bị thay đổi cả.

Học giả Hoàng chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn xem COVID-19 là bệnh nguy hiểm, thể hiện qua việc Chủ tịch Tập gửi lời thăm hỏi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida khi 2 nhà lãnh đạo mắc COVID-19 trong năm nay - hành động mà không nguyên thủ quốc gia nào làm cả.

Dù tăng cường nỗ lực xét nghiệm và phong tỏa nhiều nơi, giới chức Trung Quốc vẫn cố gắng giữ ổn định chính trị trước thềm đại hội đảng. Nước này đã giảm thời gian cách ly cho người nhập cảnh, bắt đầu đón sinh viên quốc tế.

Nhiều người mong chờ thời gian cách ly sẽ được giảm thêm nữa, và điều kiện xuất khẩu sẽ được nới lỏng sau khi đã nới lỏng điều kiện nhập cảnh. Giới phân tích nhận định thay đổi đang diễn ra dần dần.

Theo giáo sư Trần Hy thuộc trường Y tế công Yale: “Tất cả những điều này gửi đi tín hiệu “Zero COVID” của Trung Quốc sẽ được nới lỏng từng bước một. Chưa rõ quá trình này kéo dài bao lâu”.

Chính trị vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định chính sách chống dịch. Học giả Hoàng lưu ý: “Rõ ràng Trung Quốc đi theo một kiểu lý tính khác mà bạn không thể dự đoán dựa trên tư duy chính trị thông thường”.

Ngoài ra từ bỏ cách giám sát công dân bằng mã sức khỏe cũng là vấn đề cần tính toán. Học giả Hoàng cho rằng loạt hạn chế chống dịch đem lại cơ hội thử nghiệm hệ thống giám sát xã hội hiệu quả, nên giới chức Trung Quốc có động lực duy trì mã sức khỏe ngay cả khi nới lỏng hạn chế.

Giáo sư Trần nhận định Trung Quốc sẽ nới lỏng thận trọng theo kiểu “ném đá dò đường”, đại hội đảng sẽ là lúc quá trình thay đổi khởi động.

Bài liên quan
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chuẩn bị nới lỏng chính sách “Zero COVID”