Ngoại trưởng Úc Penny Wong hôm 6.9 xác nhận tàu hải quân các nước Úc, New Zealand và Fiji đã được phép cập cảng thăm quốc đảo Solomon ở phía nam Thái Bình Dương.

Tàu chiến Úc nối lại các chuyến cập cảng thăm quốc đảo Solomon

Bảo Vĩnh | 06/09/2022, 20:07

Ngoại trưởng Úc Penny Wong hôm 6.9 xác nhận tàu hải quân các nước Úc, New Zealand và Fiji đã được phép cập cảng thăm quốc đảo Solomon ở phía nam Thái Bình Dương.

Tuần trước, chính quyền quốc đảo Solomon ra lệnh tạm đình chỉ các chuyến thăm của tất cả các tàu hải quân nước ngoài, trong thời gian tiến hành xem xét lại quy trình mới để phê duyệt các chuyến thăm cảng. Khi có quy trình mới, lệnh này sẽ được dở bỏ.

Điều đó có nghĩa tàu chiến Mỹ, Anh và các nước sẽ không thể cập cảng ở quốc đảo Solomon, vào lúc nhiều nước ở Thái Bình Dương báo động về mối quan hệ thân cận ngày càng tăng giữa Solomon với Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu bà Wong có thất vọng trước việc hải quân Mỹ không được hưởng ngoại lệ như Úc, bà Wong nói chính quyền quốc đảo Solomon đã nói rõ họ sẽ xem xét từng trường hợp trước khi ra quyết định.

Nữ Ngoại trưởng Úc nói với đài ABC: “Họ là quốc gia có chủ quyền và đó là một vấn đề của họ. Điều tôi có thể nói là Mỹ có bề dày lịch sử hiện diện ở Thái Bình Dương, tính từ Thế chiến 2”.

Việc tàu hải quân Úc được cập cảng Solomon diễn ra trước chuyến thăm Úc (chưa xác định rõ lúc nào ) của Thủ tướng Solomon, ông Manasseh Sogavare.

Bà Wong nói “chúng tôi hoan nghênh chuyến thăm của ngài thủ tướng”, và hoan nghênh lời bảo đảm của ông Sogavare rằng “Úc vẫn là đối tác an ninh hàng đầu” của quốc đảo Solomon.

Cảnh sát Úc đã duy trì hòa bình ở quần đảo Solomon, theo một thỏa thuận an ninh song phương sau vụ bạo loạn ở thủ đô Honiara hồi cuối năm 2021.

mercy-hospital-ship.jpeg
Tàu quân y Mercy của hải quân Mỹ - Ảnh: AP

Trước đó, chính quyền Solomon đã cho phép tàu quân y Mỹ Mercy cập cảng thủ đô Honiara ngày 29.8 để thực hiện nhiệm vụ trong 2 tuần. Qua ngày 30.8, Solomon ra lệnh tạm đình chỉ tàu hải quân của tất cả các quốc gia cập cảng, sau khi tàu hộ tống Oliver Henry của cảnh sát tuần duyên Mỹ và tàu tuần tra Spey của hải quân Anh gần đây phải hủy kế hoạch cập cảng Guadalcanal ở Solomon để tiếp nhiên liệu. 

Thủ tướng Sogavare nói thủy thủ tàu Oliver Henry không kịp nộp thông tin đúng hạn cho văn phòng của ông phê duyệt chuyến thăm. Thay vào đó, tàu Oliver Henry chuyển đến Papua New Guinea để tiếp nhiên liệu. Chiếc Spey thì rút đơn đăng ký cập cảng, ông Sogavare nói.

Hai tàu này đều tham gia nỗ lực quốc tế Operation Island Chief phòng chống nạn đánh cá trái phép, kết thúc hôm 26.8.

Trước đó, sứ quán Mỹ tại Úc cho biết chính quyền Solomon đã thông báo tạm thời không cho các tàu hải quân Mỹ cập cảng, chờ cập nhật quy trình thủ tục.

Ngày 31.3, quốc đảo Solomon đã ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại nước này sẽ mở đường cho Trung Quốc có sự hiện diện quân sự đầu tiên ở vùng Nam Thái Bình Dương.

Cụ thể hơn, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng các dự án của Trung Quốc tại quốc đảo này.

Thỏa thuận này còn nêu rõ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, quân đội và lực lượng hành pháp Trung Quốc đến quốc đảo để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo và an ninh.

Cả Trung Quốc và Solomon đều bác bỏ thỏa thuận an ninh sẽ dẫn đến một thế đứng quân sự Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố rằng hợp tác an ninh giữa nước này với đảo quốc Solomon là trao đổi và hợp tác bình thường giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền.

Hồi tháng 8, Solomon cho biết đã vay 66 triệu USD với lãi suất 1% từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM) để xây 161 tháp viễn thông. Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đảm nhiệm phần xây dựng.

Đây là khoản vay đầu tiên của Solomon từ khi hủy quan hệ ngoại giao với Đài Loan và quay sang Trung Quốc hồi năm 2019.

Công đảng trung tả nắm chính quyền Úc từ tháng 5, mô tả thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon là một thất bại lớn của Úc về chính sách đối ngoại ở Thái Bình Dương.

Từ lâu, Mỹ và Úc đã lo ngại khả năng Trung Quốc xây căn cứ hải quân ở vùng Nam Thái Bình Dương và chỉ cách vùng biển Đông Bắc Úc chưa đến 2.000km.

Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc đảo Solomon không chỉ giúp Trung Quốc tiến gần cửa ngõ Úc và New Zealand, mà còn gần với đảo Guam của Mỹ, nơi có nhiều căn cứ quân sự lớn.

Theo AP
Copy Link
Bài liên quan
Lo ngại Trung Quốc ở Solomon, Mỹ tăng cường hợp tác an ninh với Papua New Guinea
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink ngày 26.4 cho biết muốn mở rộng hợp tác an ninh với Papua New Guinea, trong bối cảnh Washington lo ngại về động cơ của Trung Quốc khi ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon gần đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu chiến Úc nối lại các chuyến cập cảng thăm quốc đảo Solomon