Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, chuyên gia cho rằng là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ. Vì vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các đòn bẩy tài chính.

Đầu tư vào kênh nào để an toàn, sinh lời thời COVID-19?

Phan Diệu | 18/11/2020, 20:30

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, chuyên gia cho rằng là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ. Vì vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các đòn bẩy tài chính.

Đây là thông tin được nhiều chuyên gia nhìn nhận tại hội thảo “Chiến lược đầu tư thời COVID-19” diễn ra ngày 18.11.

Thời của đầu tư dài hạn

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, bất động sản, chứng khoán là kênh được nhiều nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.

Ông Thành cho biết trong năm 2020, đối với thị trường chứng khoán, số tài khoản cá nhân tăng rất mạnh, tính thanh khoản của thị trường khá cao, chỉ số VN-Index từ “đáy” vào tháng 3 đã bật tăng tốt.

Đối với thị trường bất động sản, nhiều phân khúc đang có tiềm năng lớn dù thị trường năm 2019 - 2020 “trầm” hơn, nguồn cung tại cả TP.HCM và Hà Nội hạn chế, trong khi đó giá nhà lại tăng cao. Còn phân khúc condotel, officetel cũng trầm lặng; thị trường bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh. Ông Thành cho rằng xu hướng này không phải do Hà Nội và TP.HCM bớt nguồn cung mà đây là sự dịch chuyển để phát triển. Thế nhưng, thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và điểm nghẽn ở quy hoạch và pháp lý.

Đối với các kênh đầu tư khác, ông Thành nói rằng thị trường trái phiếu cũng đã tăng dung lượng và tính thanh khoản. Trong đó, thị trường trái phiếu Chính phủ bước đầu tạo đường cong lãi suất; thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước tiến đáng kể trong 3 năm qua.

“Bây giờ là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ. Nhà đầu tư cần cẩn trọng với đòn bẩy tài chính. Mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn nhưng đừng quá kỳ vọng vào đòn bẩy tài chính mà nên kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn”, TS. Võ Trí Thành khuyên các nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận viễn cảnh của ngành bất động sản trong thời gian tới rất là tốt, do những chính sách của Chính phủ đang tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản. Tín hiệu về bong bóng bất động sản cho đến hiện tại vẫn chưa có. Vì vậy, trong thời gian tới, đầu tư cổ phiếu bất động sản vẫn khá tốt.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư LDG cho rằng, viễn cảnh về đầu tư bất động sản trong 5 năm tới rất khả quan, cho dù luật có thay đổi hay không thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đầu tư. Còn về độ rủi ro của bất động sản thì ông Khang nhận định điều tiết chính sách của Việt Nam rất là tốt nên sẽ không có hiện tượng bong bóng bất động sản như trước.

hoi-thao-dau-tu-covid.jpg
Các chuyên gia tại hội thảo

Trái phiếu bất động sản tăng gần 300%

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cho biết, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 thách thức chung với nền kinh tế và thị trường bất động sản. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn khiến nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…

Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 doanh nghiệp báo lỗ, 35 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải đối diện khó khăn trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu khi nghị định số 81/2020 ngày 9.7.2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2020.

Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành khoảng 45.600 tỉ đồng trái phiếu, tăng 292% so với cùng kỳ, chiếm 29,1% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, ngay sau khi nghị định 81 có hiệu lực, quy định chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thì thị trường trái phiếu đã hạ nhiệt.

Ngoài ra, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, tâm lý thận trọng của người mua tăng lên, cộng với việc thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường chững lại, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường bất động sản đã rục rịch trở lại với các hoạt động mở bán.

Thêm vào đó, việc đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhờ đầu tư công và việc thành lập thành phố Thủ Đức đang được xúc tiến nhanh sẽ góp phần mở rộng và kết nối các khu đô thị mới. Ông Năng nhìn nhận đây là những cú hích mạnh mẽ hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi. Chính vì vậy, cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư.

“Tuy nhiên, đây là nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhưng cũng có nhiều cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian qua. Vì thế, các nhà đầu tư cần sàng lọc, đãi cát tìm vàng, lựa chọn những cổ phiếu tốt để đầu tư”, ông Lê Nhị Năng nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Năng vẫn lạc quan cho rằng khó khăn của thị trường bất động sản chỉ là ngắn hạn bởi trong dài hạn, nhu cầu mua bất động sản để ở và đầu tư vẫn còn rất lớn trên thị trường, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm.

Bài liên quan
Đất nền vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư
Hiện nay, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu mặc dù thị trường thời gian gần đây có xu hướng giảm. Trong quý 2/2019, phân khúc đất nền được dự báo có thể sẽ tăng mạnh nguồn cung so với quý 1/2019, đặc biệt đất nền phân lô tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư vào kênh nào để an toàn, sinh lời thời COVID-19?