Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) chất vấn, nếu luật chưa có quy định thì căn cứ vào đâu để các bộ, ngành tham mưu việc sáp nhập VTC vào VOV và trong đó có một khoản nợ hơn 1.200 tỉ đồng đến nay vẫn vướng mắc?
Lo lắng về lãng phí tài sản công
Tại phiên chất vấn ngày 6.11, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng cử tri hết sức băn khoăn, lo lắng về tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó cho thấy thước đo về niềm tin của nhân dân đối với việc quản lý việc sở hữu tài sản công là "có vấn đề".
Theo ông Nguyễn Tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói điều chỉnh về cơ chế chính sách pháp luật nhưng đại biểu tỉnh Lâm Đồng băn khoăn rằng: "Ở đây chúng ta làm chậm quá. Nếu chậm mãi như thế này sẽ còn nhiều tiêu cực và thất thoát, lãng phí sẽ phát sinh. Do đó, tôi tha thiết đề nghị phải có lộ trình, thời gian và Bộ trưởng Tài chính nói phải có lộ trình, thời gian bao nhiêu cần xác định rõ. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị trách nhiệm của từng ngành, từng cấp phải rõ ràng, cụ thể mới làm rõ được việc này chứ không để lãng phí và tiêu cực phát sinh mãi thì niềm tin của nhân dân rất khó".
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp và trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thuộc các đơn vị quản lý tài sản công.
“Chẳng hạn quản lý xe ô tô thuộc cơ quan các đồng chí, quản lý nhà thuộc cơ quan các đồng chí. Để gói thầu mất mát, hư hỏng là do đơn vị đó. Còn đối với Bộ Tài chính chúng tôi hướng dẫn về các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý như thế nào, định mức kinh tế kỹ thuật như thế nào”, bộ trưởng nói.
Theo ông Phớc, vấn đề bây giờ vấn đề là nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, trách nhiệm quản lý tài sản công đấy được cụ thể hóa và cá thể hóa đến từng người quản lý. Ví dụ như ở UBND tỉnh quản lý chung trên toàn bộ địa bàn tỉnh, ở bộ thì ở các bộ, ngành phải quản lý xuống các đơn vị trực thuộc của bộ mình.
Ông Phớc đề xuất sửa Luật Quản lý tài sản công, vì có một số hình thức cũng chưa bao quát hết tất cả các hành vi. Ví dụ, chưa có hình thức mua lại tài sản để biến thành tài sản công, như các trạm BOT.
“Khi chúng ta thay đổi các hướng tuyến, khi phương án đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng đến khi triển khai thì do thay đổi quy hoạch cho nên trạm BOT đấy không sử dụng được thì đoạn đường đấy sẽ do Nhà nước quản lý. Cho nên có thể mua lại tài sản công của một số nhà đầu tư tư nhân để thu phí, hoàn phí một cách lâu dài hoặc không thu phí của dân mà đầu tư bằng nguồn vốn của ngân sách”, ông Phớc nêu.
Ngoài ra, bộ trưởng cũng cho biết hình thức mua lại tài sản công cũng chưa có. Chẳng hạn như đối với Nghị định 167 hay là Nghị định 151 về sửa đổi tài sản công thì đang đề nghị Thủ tướng cho sửa Nghị định 151 về hướng dẫn tài sản công.
Căn cứ nào để sáp nhập VTC vào VOV và vướng mắc khoản nợ hơn 1.200 tỉ đồng?
Đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) bày tỏ ông rất trăn trở vấn đề xã hội hóa. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công quản trị tư, đầu tư tư quản trị công hiện nay rất mắc.
“Tôi xin trao đổi và hỏi 2 việc cụ thể, vì nếu luật chưa có quy định thì căn cứ vào đâu để cán bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 752 về việc sáp nhập truyền hình kỹ thuật số VTC vào VOV và trong đó có một khoản nợ hơn 1.200 tỉ đồng và đến nay vẫn vướng mắc, chưa tháo gỡ được?”, ông Hạ nêu.
Nội dung thứ hai, theo ông Hạ là văn bản 70 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo cho phép đầu tư của Công ty Trung Nam.
“Người ta đầu tư trạm biến áp và đường dây 500KW và thuộc Nhà nước quản lý. Đến lúc người ta hoàn thành hơn 2.000 tỉ đồng bây giờ chuyển giao 0 đồng cho Nhà nước mà không có cơ chế để nhận. Cuối cùng tất cả điện đi qua trạm đó, vận hành bình thường nhưng bây giờ doanh nghiệp đó phải thuê lại EVN để điều hành, vận hành, quản lý trạm mà không thể bàn giao được cho Nhà nước”, ông Hạ nói.
Ông Hồ Đức Phớc nói thêm, về phía hình thức mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công, chẳng hạn như mua các trạm BOT hoặc mua các công trình của tư nhân, hiện nay trong thiết kế của Luật Quản lý tài sản công chưa có hình thức này. Vì vậy, vừa rồi có 9 nhà đầu tư có đề nghị mua lại khi có thay đổi hướng tuyến thì vẫn chưa xử lý được.
“Thẩm quyền xử lý việc này chỉ có Quốc hội vì Quốc hội là người ban hành luật thì có thể Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết, còn hiện nay hình thức này chưa có”, ông Phớc nói.
Đối với việc VTC chuyển sang VOV, theo bộ trưởng, VTC là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và sau khi giao về cho VOV quản lý thì VOV cũng là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Trong đó xây dựng một số công trình có phần góp vốn của tư nhân và các doanh nghiệp khác hiện nay chưa được xử lý, chẳng hạn như tòa nhà của VTC hiện nay cũng chưa có phương án để xử lý.
“Chúng tôi cũng đã tổ chức họp nhiều lần và cũng đã tính đến việc cho một doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ tiềm năng về tài chính để mua lại phần này và trả nợ cho các doanh nghiệp góp vốn vào đây. Tuy nhiên sau khi tính toán thì thứ nhất là các đơn vị đấy cũng không có nhu cầu”, bộ trưởng nói.
Ngoài ra, theo bộ trưởng, số tiền mua được cũng không đủ để trả nợ và để lâu nên lãi suất của ngân hàng tăng lên. Vấn đề này hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo cho các bộ, ngành để xử lý vấn đề nợ và các vấn đề liên quan.
Về vấn đề Công ty Trung Nam, ông Phớc cho hay với các khu đô thị thì chủ đầu tư phải xây dựng trạm biến áp theo đúng quy định của luật quản lý điện.
“Nếu anh không bàn giao lại trạm này để cho EVN thì anh tự quản lý, sử dụng và khi đó phải thay thế thiết bị. Theo đó, anh phải có nhân lực. Nếu anh trả lại cho EVN thì trả bằng 0 đồng, chứ không thể bán được. Cho nên cái này cũng là một vấn đề chúng tôi cũng đã đặt ra trong tương lai để khi hoàn thiện pháp luật thì phải có giải pháp”, bộ trưởng nói.