Năm 2016, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng đột biến 26% (năm 2015 chỉ tăng 0,9%). Năm 2017, chính phủ chỉ đạo “Du lịch phải là ngành kinh tế mũi nhọn”.

Để du lịch trở thành mũi nhọn

30/11/2017, 13:26

Năm 2016, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng đột biến 26% (năm 2015 chỉ tăng 0,9%). Năm 2017, chính phủ chỉ đạo “Du lịch phải là ngành kinh tế mũi nhọn”.

Du khách quốc tế thích thú đi cầu khỉ ở Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Quyết tâm này ai cũng đồng lòng nhưng hiểu và làm thì mỗi nơi một kiểu. Có người cắc cớ vặn lại “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành. Nếu tất cả đều là mũi thì không còn nhọn?”. Bắt bẻ chữ nghĩa làm gì, chỉ cần biết chính phủ muốn ngành du lịch có những đột phá để phát triển mạnh mẽ.

Du lịch Việt Nam tiềm năng thì có thừa nhưng quản lý và khai thác thì quá tệ. Ai cũng biết vậy. Muốn đột phá thì phải dọn dẹp những vấn nạn của xã hội, đang cản ngại du lịch tăng tốc. Đột phá không thể muốn là được, cũng không thể nóng vội, một sớm một chiều kiểu mì ăn liền nhưng cũng không thể chần chừ. Không thể đột phá với tư duy trì trệ, bao cấp, chờ chỉ đạo kiểu cầm tay chỉ việc.

Các địa phương đang nôn nóng, muốn có ngay mũi nhọn nhưng tư duy chưa theo kịp. Đa phần là tự tôn kiểu ngộ nhận về tiềm năng du lịch, thứ gì ta cũng có, làng nhàng mỗi thứ một chút nhưng không biết rõ điểm mạnh của mình. Có nơi còn tự sướng, kiểu ếch ngồi đáy giếng, cứ nghĩ tiềm năng du lịch địa phương mình là số 1. Số ít thì tự ti, cho rằng địa phương rất khó làm du lịch.

Nhiều nước, sau thời kỳ phát triển nóng, đã chấp nhận mức tăng trưởng nguội, chậm lại để bảo vệ môi trường sống. Nhiều nước chủ trương xuất khẩu công nghiệp vì thường gây ô nhiễm. Thay vào đó là chủ trương tập trung phát triển dịch vụ, trong đó có du lịch để phát triển bền vững. Với họ, du lịch là “Service Industry”, có chuẩn mực rõ ràng; không mập mờ tự phát như Việt Nam. Làm du lịch mà chỗ nào cũng bê tông hóa, cũng phá rừng làm cáp treo và xây chùa thì còn nguy hại hơn là công nghiệp thuần túy.

Vừa rồi, Hà Tĩnh vào Sài Gòn tổ chức Hội thảo xúc tiến và quảng bá du lịch hoành tráng. Quà tặng là kẹo Cu Đơ rất ngon nhưng bao bì cứ như thời bao cấp. Muốn tặng ai cũng ngại vì nhìn bề ngoài là nghi ngờ chất lượng. Các doanh nghiệp địa phương lên diễn đàn ra rả kêu gọi dân Sài Gòn ra Hà Tĩnh tắm biển. Nào là biển đẹp nhất nước, đã hết ô nhiễm, hải sản tươi ngon…Chẳng cần biết khách ngồi cười mím chi khó hiểu. Trong khi những thế mạnh nhất của Hà Tĩnh là chùa Hương gốc, xây dựng từ đầu thế kỷ 13, chưa bị làm mới. Chùa Hương Hà Tây là phiên bản, xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Là khu di tích và mộ đại thi hào Nguyễn Du, là khu du tích và mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông tổ ngành Y Việt Nam… lại không được nhấn mạnh.

Du lịch Sài Gòn đã có những đột phá như mở thêm phố đi bộ Bùi Viện, đường sách Nguyễn Văn Bình và các phố ẩm thực, phố Đông Y, phố Vàng bạc, thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam… Sóc Trăng mở đường tàu cao tốc đi Côn Đảo. Đồng Tháp với những cách làm hiệu quả mà Bí thư và Chủ tịch tỉnh được xem là “Song kiếm hợp bích”. Bình Thuận có Fishman Show và công viên Điêu khắc cát. Đà Nẵng có các cuộc thi và sự kiện du lịch độc đáo. Quảng Bình tận dụng hiệu quả của phim tấn Kong: Skull Island. Các tỉnh Tây Bắc cũng có nhiều chuyển động tích cực…

Các khu phức hợp của những tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, Mường Thanh… đã góp phần làm cho diện mạo du lịch Việt khởi sắc. Nhưng chưa đủ. Du lịch nội địa vẫn đắt đỏ hơn du lịch nước ngoài. Du lịch không thể là mũi nhọn nếu các vấn nạn về trật tự xã hội, an ninh đường phố, giao thông, vệ sinh thực phẩm và môi trường, nạn hét giá trấn lột… không có lộ trình khắc phục cụ thể. Từ chuyện quà lưu niệm cho đến các dịch vụ cho khách xài tiền. Đặc biệt là tinh thần và thái độ phục vụ với nụ cười thân thiện là cách mà ai cũng làm được và không tốn tiền.

Mấy người bạn nước ngoài nhờ tôi đề xuất là Sài Gòn nên đăng cai tổ chức cuộc thi Ironman Marathon quốc tế 2018 ở Cần Giờ. Để khơi dậy tiềm năng du lịch Cần Giờ, cần có các sự kiện lớn. Thay cho Marathon đường phố giản đơn, Marathon địa hình ở Cần Giờ sẽ hấp dẫn hơn nhiều, vì lắm cảnh đẹp, địa hình phức tạp, tha hồ cho các đơn vị quảng cáo. Cần Giờ là điểm lý tưởng cho các trò chơi cảm giác mạnh kiểu “Outdoor Training”, kể cả Trung tâm Huấn luyện Việt Nam cho các Team Building đúng nghĩa.

Củ Chi có thể tổ chức “khách sạn Địa đạo” cho khách lưu trú, tái hiện các trận đánh lịch sử, tổ chức chợ phiên kháng chiến vào những đêm trăng. Thay đường hoa Nguyễn Huệ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử bằng tổ hợp sông hoa gồm chợ nổi hoa sống (như chợ hoa Nguyễn Huệ ngày xưa), hai bên bờ sông là đường đi bộ chân quê. Nhà cửa ven bờ được sửa sang, trang trí cây, hoa và đặc biệt là ánh sáng để kéo khách tới và thúc đẩy du lịch đường sông…

Đua Bò ở An Giang quá tuyệt nhưng sao không tổ chức định kỳ vào cuối tuần, kiểu thi biểu diễn, có thu vé như đua chó, đua heo nhưng quyết liệt và hấp dẫn hơn, từng bước kéo khách tới. Dĩ nhiên phải nối kết thêm nhiều cái độc đáo của An Giang và vùng phụ cận. Nếu chỉ Đua Bò, cả năm chỉ thi một lần như hiện nay thì khó mà dụ khách về dự.

Lễ hội Đua Ghe Ngo - Ooc Om Boc cũng vậy. Sao không đua ghe ngo biểu diễn vào cuối tuần, mời gọi khách về tìm hiểu loại hình văn hóa Khmer đặc sắc? Lễ hội chính một năm một lần nên luân phiên tổ chức tại các tỉnh có đông người Khmer để tất cả Win - Win. Chứ tỉnh nào cũng đồng khởi tổ chức, na ná nhau thì tất cả đều thất bại. Liên kết lâu nay chỉ hô hào và ký kết để báo cáo. Phải cụ thể, có sự phân công hợp lý cho các thành viên liên kết, để thúc đẩy chứ không phải triệt tiêu lẫn nhau.

Có thể nói “Ẩm thực là thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam” nhưng lâu nay chưa được coi trọng. Nhà nước cần có chính sách và tạo điều kiện cho Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam thực hiện ước mơ “Việt Nam là bếp ăn của thế giới” (Philip Kotler). Tại sao chưa có từ điển “Món ngon Việt Nam”? Sưu tầm và bình chọn “Những món ngon Việt Nam phải ăn trước khi chết”. Giảm bớt, tiến tới chấm dứt các lễ hội bát nháo, dã man; dành tiền cho những việc thiết thực. Xin hãy thôi đầu tư và tổ chức sự kiện kiểu “Gắp đồ ăn cho khách”, bất cần nhu cầu thực tiễn, chưa nói đến việc trục lợi, chia chác.

Bên cạnh việc tạo thêm nhiều sản phẩm mới, giải quyết các vấn nạn xã hội, cải thiện môi trường sống, cần mạnh dạn miễn thị thực (visa) cho các thị trường trọng điểm. Hoặc vẫn thị thực nhưng miễn lệ phí như cách chính phủ Đài Loan đang thực hiện với du khách Việt. Nhờ chính sách này, kết hợp với việc giảm giá, nâng chất dịch vụ, lượng khách Việt đến Đài Loan năm 2017 tăng hơn 100 % so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà nước cần tập trung tháo gỡ vướng mắc và khó khăn cho các doanh nghiệp, dẹp bỏ các trói buộc kiểu “Quân ta hại quân mình”. Đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đủ sức cạnh tranh với các nước. Toàn chuyện cũ, đặt ra từ nhiều năm trước nhưng cứ giải quyết nửa vời, lúng túng như “gà mắc tóc”.

“Chúng ta không thể giải quyết những vấn nạn của mình với cùng trình độ tư duy khi những vấn nạn đó được tạo ra” (Albert Einstein). Để có được những thành tựu đột phá thì cần những tư duy đột phá. Phải thay đổi nhận thức để chuyển biến thành hành động cụ thể. Không khéo, các địa phương đang nôn nóng biến du lịch thành mũi nhọn, nhưng là mũi nhọn chi tiền với các hội thảo, hội nghị giải ngân hoặc bắt chước nhau một cách máy móc.

Mũi nhọn đột phá phải thiết thực và hiệu quả bền vững.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan
Ngắm đàn cá hải tượng ‘khủng’ tại khu du lịch Cồn Én
Tại khu du lịch sinh thái Cồn Én (ấp Tân Long, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), nhiều du khách rất thích thú với hồ cá nuôi hơn 100 con hải tượng kích thước từ 1m - gần 2m, tương đương những con cá khủng ở sông Amazon Nam Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để du lịch trở thành mũi nhọn