Những ngày qua, nhiều người dân miền Tây bàn tán xôn xao chuyện UBND TP.Cần Thơ định lấy tiền ngân sách bù lỗ cho các hãng hàng không. Bởi ngay từ đầu, Cần Thơ đã muốn tạo “điểm nhấn” bằng sân bay lộng lẫy, nên giờ, phải bỏ thêm tiền cho “thú chơi”?

Cái giá của điểm nhấn sai chỗ

28/11/2017, 14:10

Những ngày qua, nhiều người dân miền Tây bàn tán xôn xao chuyện UBND TP.Cần Thơ định lấy tiền ngân sách bù lỗ cho các hãng hàng không. Bởi ngay từ đầu, Cần Thơ đã muốn tạo “điểm nhấn” bằng sân bay lộng lẫy, nên giờ, phải bỏ thêm tiền cho “thú chơi”?

1 khách du lịch chụp ảnh trước sân bay Cần Thơ vắng lặng - Ảnh: Công Tuấn

Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ vừa ký tờ trình gửi HĐND TP.Cần Thơ xem xét, quyết nghị Quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Tờ trình này sẽ được thông qua HĐND tại kỳ họp tháng 12 tới đây.

Theo UBND TP.Cần Thơ tự đánh giá, việc mở các đường bay mới là cần thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP.Cần Thơ và các tỉnh miền Tây, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, góp phần khai thác có hiệu quả sân bay Cần Thơ.

Từ đó, UBND TP.Cần Thơ đề xuất phương án dùng ngân sách hỗ trợ số tiền tương đương 30% giá vé máy bay trên mỗi chuyến bay cho các hãng hàng không mở đường bay mới đến Cần Thơ bị lỗ…

Sân bay Cần Thơ (còn gọi là sân bay Trà Nóc) được xây dựng từ những năm 1960, chủ yếu phục vụ quân sự. Giai đoạn từ năm 1977- 1978, từng có các chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đến Cần Thơ và ngược lại, nhưng từ giữa năm 1978 đã tạm ngưng do hiệu qủa thấp.

Đến năm 1993, nơi này lại tiếp nhận khoảng 3 chuyến bay/tuần của Vietnam Airlines với tuyến TP.HCM - Phú Quốc - Cần Thơ - TP.HCM và ngược lại bằng máy bay ATR 72… Nhưng sau một thời gian ngắn cũng phải ngưng vì lý do tương tự.

Cần Thơ được xem là trung tâm vùng ĐBSCL, việc để sân bay phơi mưa phơi nắng đúng là việc khó chấp nhận khi mà nhu cầu phát triển và nhiều thứ kéo theo đòi hỏi khôi phục tuyến hàng không. Nhất là khi các sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá đã đưa vào khai thác mấy năm nay. Và Cần Thơ đã quyết tạo điểm nhấn bằng cách đề xuất cải tạo sân bay, mở càng nhiều chuyến bay càng tốt, để “rôm rả”, tạo bộ mặt, điểm nhấn cho thành phố.

3.000 tỉ đồng đã đổ vào sân bay này, nhưng sau 4 năm hoạt động mà vẫn đìu hiu, nên năm 2014, UBND TP.Cần Thơ gửi công văn đề xuất Bộ GTVT, xem xét mở đường bay quốc tế. Điều này là ngược đời, “chơi ngông”, vì mở hay không, không phải chỉ căn cứ nhu cầu của chính quyền và một vài người dân, mà phải từ hiệu quả kinh tế mà doanh nghiệp khai thác chuyến bay phải cân đo!

Thực tế khi đó, 1 báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết chưa có 1 hãng hàng không nước ngoài nào đăng ký khai thác với sân bay quốc tế này. Trong khi đó, các hãng bay nội địa cũng chưa hề mở đường bay ngoại nào xuất phát hoặc về đây. Bởi họ thấy: mở là chết vì không đủ khách!

Sân bay Cần Thơ khánh thành đầu năm 2011, năng lực phục vụ theo thiết kế từ 3-5 triệu khách/năm và hàng hóa là 5.000 tấn. Năm 2016, lượng khách được khai thác tại đây chỉ hơn 547.000 người. Ước tính năm 2017 khách đi và đến sân bay Cần Thơ khoảng 612.512 người, chiếm khoảng 20% công suất thiết kế! Chính UBND TP.Cần Thơ cũng đánh giá sân bay hoạt động chưa hiệu quả!

Nhưng giờ đây, dù doanh nghiệp vẫn không thiết tha, nhưng UBND TP.Cần Thơ vẫn định lấy tiền thuế của dân để “dụ” doanh nghiệp mở chuyến bay cho rầm rộ, vì "lỡ" mở sân bay. Ai đi, hay chỉ cho cán bộ? Bởi lượng khách thế nào, các doanh nghiệp hàng không tính hết, thấy không “ăn”, họ mới ngó lơ. Giờ lấy tiền chiêu dụ họ, bao nhiêu cho đủ?

Trước đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch cứ 100 - 200km đã có sân bay, sẽ rơi vào tình trạng lãng phí như đầu tư cho cảng biển trong thời gian qua. Nhưng chẳng ai nghe. Đầu tư cho sân bay rất tốn kém, nhưng hiệu qủa khai thác không mấy hấp dẫn.

Lẽ dĩ nhiên, đối với khách quốc tế đến ĐBSCL hiện nay, họ chỉ cần đến TP.HCM là được! Sau đó, nếu có nhu cầu đi tỉnh, thành khác ở ĐBSCL, thì ô tô vẫn là phương tiện ưu tiên. Khi tuyến cao tốc nối TP.HCM đến Cần Thơ hoàn thành, càng tiện.

Chúng ta nên thấy điều đó, đừng cho rằng địa phương mình phải có sân bay hoành tráng, phải có đường bay quốc tế càng nhiều càng sướng. Cái đó, để cho doanh nghiệp họ tính. Đừng cố tạo điểm nhấn bằng những thứ xa xỉ, khó nuôi. Hãy lo cho dân bằng tiền ngân sách…

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái giá của điểm nhấn sai chỗ