Chuyện Nguyễn Quang Hải mới đây và trước đó là nhiều cầu thủ khác thi đấu nước ngoài không thành công là lời cảnh tỉnh cho giấc mơ World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam (BĐVN).

Để giấc mơ World Cup thành hiện thực, từ V-League nhìn về J-League

Đặng Hoàng | 07/06/2023, 18:10

Chuyện Nguyễn Quang Hải mới đây và trước đó là nhiều cầu thủ khác thi đấu nước ngoài không thành công là lời cảnh tỉnh cho giấc mơ World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam (BĐVN).

Trên mạng xã hội đã có một số bình luận tiêu cực về Quang Hải khi anh không thành công ở Pau FC dù đây chỉ là đội trung bình yếu và đến vòng cuối mới giành được suất trụ hạng Ligue 2. Thậm chí có người còn châm biếm Quang Hải rằng “Ta về ta tắm ao ta...”. Tất cả sự cay nghiệt này xuất phát từ suy nghĩ rằng Quang Hải “nổ” vì có những CLB La Liga cùng một số CLB châu Âu khác mời thi đấu.

Thế nhưng, phải sòng phẳng là Quang Hải chưa bao giờ “nổ”. Lỗi ở đây là từ người đại diện ban đầu của Quang Hải đã “nổ” quá mức và những thông tin này đã được lan tỏa bởi một số cơ quan truyền thông Việt Nam. Họ đã “thêu hoa dệt gấm” cho chuyến xuất ngoại đầu đời của Quang Hải.

Quang Hải không có lỗi, thậm chí chúng ta phải ủng hộ Quang Hải khi ra nước ngoài thi đấu như quan điểm của Một Thế Giới qua bài Chuyện Nguyễn Quang Hải: Đi một ngày đàng...

Thay vì tiêu cực, chúng ta nên nhìn nhận một cách tích cực: những chuyến xuất ngoại của Quang Hải cho đến Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Hậu, Văn Lâm, Công Vinh... là những bài học bổ ích cho các cầu thủ Việt Nam sau này nếu muốn ra nước ngoài thi đấu. Đây cũng là con đường duy nhất để nâng tầm bóng đá nam Việt Nam khi hướng đến giấc mơ World Cup 2026 và xa hơn nữa.

30 năm J-League và đường lên đỉnh cao của bóng đá Nhật Bản

2023 - tròn 30 năm bóng đá Nhật Bản tiến lên sự chuyên nghiệp với việc ra đời của hệ thống bóng đá J-League. Ngày ra đời, J-League mời những ngôi sao hàng đầu thế giới nhưng đã qua thời đỉnh cao như Zico - linh hồn của đội tuyển Brazil tại World Cup 1982, 1986; hay tiền đạo tuyển thủ Anh quốc Gary Lineker - vua phá lưới World Cup 1986. Ngay HLV nổi tiếng Arsene Wenger cũng đến J-League làm việc trong những năm đầu tiên.

tuyennhat.jpg
Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Nhật trong sự thẫn thờ của tuyển thủ Đức

J-League cũng học tinh hoa của những giải chuyên nghiệp đi trước từ văn hóa cổ động: bài hát, cờ, các nhóm ultra, linh vật... cho đến cách vận hành một giải bóng đá nhà nghề như thế nào để có thể tồn tại và phát triển bằng chính nguồn thu từ bóng đá.

J-League nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần hàng đầu của người Nhật dù trước đó Sumo, bóng chày mới là những môn thể thao truyền thống, hấp dẫn nhất đối với người Nhật. Trước đại dịch COVID-19, trung bình mỗi trận J-League thu hút 20.000 khán giả và bản quyền truyền hình J-League trong 12 năm có giá trị lên đến 2,1 tỉ USD với hãng DAZN.

Ở môi trường này, các cầu thủ Nhật Bản được hưởng lợi nhiều nhất. Thế nhưng khi đã là nền bóng đá hàng đầu châu Á, J-League trở thành giải vô địch quốc gia đỉnh cao, người Nhật hiểu rằng để tiến lên đẳng cấp thế giới, các cầu thủ phải bước ra ngoài biên giới Nhật Bản. Có nghĩa là họ phải đi thi đấu ở nước ngoài, đến với những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu.

Khi cùng Hàn Quốc đăng cai tổ chức Wolrd Cup 2002, chỉ 4 cầu thủ trong đội tuyển thi đấu nước ngoài và nổi bật hơn cả là Junichi Inamoto thi đấu cho Arsenal (Anh) và Hidetoshi Nakata thi đấu cho Parma (Ý). Thế nhưng, 20 năm sau tại World Cup 2022, có đến 19/26 tuyển thủ quốc gia Nhật Bản thi đấu ở nước ngoài. Con số đó thậm chí còn cao hơn nếu Yuta Nakayama của Huddersfield không gặp chấn thương.

Tại World Cup 2022, đội tuyển Nhật Bản thắng Đức và Tây Ban Nha cùng tỷ số 2-1. Họ chỉ dừng bước ở vòng 1/16 khi thua đáng tiếc trước Croatia trong loạt sút luân lưu 11m sau 120 phút thi đấu hòa 1-1.

Bundesliga, giải vô địch Đức có sức hút mãnh liệt nhất với 8 cầu thủ Nhật Bản, trong đó có đội trưởng Maya Yoshida và hai cầu thủ phá toang mành lưới đội tuyển Đức trong trận thắng oanh liệt tại World Cup 2022 là Ritsu Doan (SC Freiburg) và Takuma Asano (Bochum) đều đang khoác áo các CLB Đức.

Bên cạnh nhóm cầu thủ chơi bóng tại Đức, những tài năng khác của tuyển Nhật Bản đã và đang thi đấu nước ngoài còn có Takefusa Kubo (Real Sociedad), Takehiro Tomiyasu (Arsenal), Kaoru Mitoma (Brighton) hay Takumi Minamino (Monaco).

Đáng nói hơn nữa, nếu như trước đây chỉ có những cầu thủ Nhật đã khẳng định được giá trị ở trong nước cũng như trong màu áo đội tuyển quốc gia mới được các CLB châu Âu mời ký hợp đồng, thì nay bóng đá châu Âu đã dành cái nhìn khác cho bóng đá Nhật Bản. Họ nhận biết các cầu thủ Nhật Bản tài năng và các CLB châu Âu đã “săn” họ khi còn trẻ.

Kubo là ví dụ điển hình. Anh từng trải qua thời gian chơi cho đội trẻ Barcelona rồi chuyển sang Real Madrid năm 18 tuổi và nay đang thi đấu cho Real Sociedad.

Không chỉ nâng tầm J-League, các nhà lãnh đạo bóng đá Nhật Bản còn thiết lập dự án "Tầm nhìn bóng đá 2030" nhằm tạo nên một nền bóng đá đẳng cấp thế giới. Trong đề án này có kế hoạch DNA - một chiến lược dài hơi nhằm giúp các CLB Nhật Bản đào tạo các cầu thủ và HLV hàng đầu.

V-League ra đời sau 10 năm nhưng tụt hậu bao nhiêu năm?

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, V-League ra đời sau J-League chỉ có 10 năm. Sẽ là sự khập khiễng khi so sánh V-League với J-League. Thế nhưng, V-League nói chung và các cầu thủ BĐVN nói riêng, đặc biệt là với giấc mơ có mặt ở vòng chung kết World Cup sớm nhất có thể, thì BĐVN hoàn toàn học được bước đi của bóng đá Nhật Bản.

Có nghĩa là sau khi nổi bật ở V-League, các cầu thủ tài năng của Việt Nam nên chọn những giải vô địch quốc gia vừa tầm để chinh phục như Thai-League, K-League 2, J-League 2, trước khi bước lên J-League 1, K-League 1 rồi thử sức ở trời Âu.

Như các cầu thủ Thái Lan, họ cũng không vội vã. Sau khi khẳng định được mình ở Thai-League, họ mới tiến lên một nấc ở J-League 1 trước khi ra châu Âu.

351487374_3441594586111579_4124667219481455515_n.jpg
BĐVN hoàn toàn có thể học hỏi từ cách làm bóng đá của người Nhật

Từ J-League, từ cách làm bóng đá của người Nhật Bản, từ thành công của đội tuyển quốc gia Nhật Bản, không còn con đường nào khác là nâng tầm V-League, nâng tầm toàn diện nền BĐVN. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có thể nghĩ và hy vọng giấc mơ World Cup sẽ thành hiện thực!

Bài liên quan
Giá trị của những ông bầu trong bóng đá Việt Nam: Nguyễn Đức Thụy trở lại và lợi hại hơn xưa!
Tên tuổi Nguyễn Đức Thụy bỗng nổi bật khi ở tuổi 35 ông đã đình đám trở thành ông chủ của Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn Xuân Thành vào năm 2011.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để giấc mơ World Cup thành hiện thực, từ V-League nhìn về J-League