Vừa qua, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học đã được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, nhiều học sinh còn khá băn khoăn bởi học phí các trường đào tạo chuyên ngành như y, dược khá cao so với mặt bằng chung xã hội. Các chuyên gia nói gì về vấn đề này?

Để tăng chất lượng đào tạo, học phí khối ngành sức khỏe tăng cao là tất yếu

23/07/2020, 13:59

Vừa qua, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học đã được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, nhiều học sinh còn khá băn khoăn bởi học phí các trường đào tạo chuyên ngành như y, dược khá cao so với mặt bằng chung xã hội. Các chuyên gia nói gì về vấn đề này?

Ngành y luôn là ngành có sức thu hút lớn trong đào tạo nghề nghiệp

Năm 2020 - 2021, dự kiến học phí của các trường ĐH đào tạo y, dược tăng mạnh, điển hình nhất là ngành răng - hàm - mặt hệ chất lượng cao của Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM là 88 triệu đồng/năm. Học phí ngành y, Khoa chất lượng cao của Khoa Y là 65 triệu đồng, và 55 triệu đồng đối với ngành dược chất lượng cao. Học phí Trường ĐH Y - Dược TP.HCM khiến học sinh và phụ huynh chóng mặt hơn khi tăng cao nhất gấp 5 lần so với những khóa trước, lên mức 30 - 70 triệu đồng/năm, tùy từng ngành. Còn tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, mức học phí bình quân là 24,6 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà.

Bắt đầu đào tạo khối ngành sức khỏe vào năm 2016, mức học phí được Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đưa ra là 50 triệu đồng đối với ngành y đa khoa và 25 triệu đồng đối với ngành dược. Năm 2020 - 2021, học phí đối với ngành y đa khoa của trường là 50 triệu đồng, ngành răng - hàm - mặt là 60 triệu đồng, các ngành dược, điều dưỡng là 25 triệu đồng/năm. Trong khi đó, các trường như ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y - Dược Hải Phòng, ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên), Khoa Y - Dược (ĐH Đà Nẵng), Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, ĐH Y - Dược (ĐH Huế) có chung mức học phí là 14,3 triệu đồng/năm. Khoa Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) đào tạo các ngành y khoa, dược học, kỹ thuật xét nghiệm và kỹ thuật hình ảnh y học với mức học phí trung bình 1.180.000 đồng/tháng. Riêng ngành răng - hàm - mặt (đào tạo hệ chất lượng cao), mức học phí cao hơn, là 6 triệu đồng/tháng.

Trước những ý kiến đa chiều chung quanh mức học phí một số ngành dự kiến tăng mạnh như răng - hàm - mặt (70 triệu đồng/năm), y khoa (68 triệu đồng/năm), PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng mức học phí này không phải quá sốc như nhiều người đang nghĩ vì thực ra trường vẫn chưa tính đúng tính đủ mức phí đào tạo. Ngoài ra, không phải ngành đào tạo nào cũng xấp xỉ 70 triệu đồng/năm mà có những ngành chỉ ở mức 30 triệu đồng/năm.

"Học phí cao hay thấp là do các yếu tố về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Học phí các ngành không đổ đồng mà dựa trên chi phí đào tạo cần thiết, nếu thu học phí thấp, thu nhập giảng viên không tăng thì thất thoát đi những tài năng giỏi. Thời gian qua, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và chương trình đào tạo; đã phối hợp ĐH Harvard (Mỹ) để xây dựng chương trình đào tạo, thực chất có thể coi đây là chương trình chất lượng cao, với đội ngũ giảng viên khá hùng hậu. Nếu đối đãi không tốt thì khó giữ chân đội ngũ" - PGS-TS Trần Diệp Tuấn khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên, GS-TS Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết năm học 2020 - 2021, nhà trường vẫn thu học phí theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Khi nào trường có quyết định tự chủ, học phí có thể thay đổi theo hướng tăng, “nhưng đó là khi được tự chủ, còn hiện tại học phí vẫn không biến động nhiều”.

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói học phí khối ngành y - dược quá thấp thì không thể đào tạo được nhân lực bậc cao và để sinh viên cạnh tranh trong khu vực.

Với chính sách học phí hiện nay, rất khó để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi chương trình, tài liệu, giáo trình tốt đều phải mua với mức giá khá cao. Mức học phí thấp sẽ gây khó khăn cho việc giữ chân giảng viên giỏi. GS Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng việc tăng học phí khối ngành y - dược là tất nhiên. Nhưng cơ sở thế nào thì cần có kết quả nghiên cứu chứng minh tăng bao nhiêu lần là phù hợp, sinh viên sẽ được tăng thụ hưởng cụ thể ra sao… Việc tăng học phí trong hệ thống trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe trong bối cảnh hiện nay xuất phát từ thực tế, tuy nhiên, tăng như thế nào để người học không sốc và bảo đảm lộ trình là điều quan trọng. Nếu cần thiết, cần thành lập nhóm giúp khảo cứu về điều này.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Phạm Xuân Thu - Viện phó Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết xu hướng tìm tới các nghề nghiệp đảm bảo thu nhập cao là điều mong muốn nhất của các học sinh, thanh niên hiện nay. Việc đào tạo của nhóm ngành sức khỏe tốn kém gấp 5 đến 6 lần các ngành đào tạo khác, nếu cứ yêu cầu các trường cào bằng học phí thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ tương lai theo chuẩn hội nhập là rất khó. Chính vì vậy việc tăng cao học phí, tăng cao chất lượng giảng dạy là điều tất yếu ở nhóm ngành sức khỏe này.

Bài, ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để tăng chất lượng đào tạo, học phí khối ngành sức khỏe tăng cao là tất yếu