Bộ Tài chính đề xuất biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân nên được phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn để cưỡng chế nợ thuế thông qua các hình thức như cắt nguồn cung cấp các dịch vụ thiết yếu: điện, nước, viễn thông...

Đề xuất biện pháp cưỡng chế nợ thuế bằng việc cắt điện, nước

tuyetnhung | 11/07/2018, 20:00

Bộ Tài chính đề xuất biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân nên được phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn để cưỡng chế nợ thuế thông qua các hình thức như cắt nguồn cung cấp các dịch vụ thiết yếu: điện, nước, viễn thông...

Đó là một trong những điểm mới được Bộ Tài chính đưa ra tại Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi). Theo Bộ Tài chính, hiện tại đối với các cá nhân kinh doanh, cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công cơ quan thuế đang gặp rất nhiều vướng mắc khi cưỡng chế các trường hợp còn nợ thuế do không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản người nợ thuế, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập... dẫn đến tình trạng nợ thuế của hộ kinh doanh, nợ thuế của cá nhân.

Mặc dù với số tiền nợ thuế không lớn nhưng Bộ Tài chính cho rằng cũng cần có các giải pháp xử lý để thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Theo ý kiến của các cơ quan thuế quản lý trực tiếp, biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân thì phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn để cưỡng chế nợ thuế thông qua các hình thức như cắt nguồn cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, viễn thông...

Do vậy, Bộ này đề xuất bổ sung vào khoản 1 điều 93 về biện pháp cưỡng chế đối với hộ kinh doanh, cá nhân theo hướng: Trong trường hợp không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản người nợ thuế, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập... thì cơ quan thuế phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có liên quan để áp dụng các biện pháp phù hợp khác. Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể nội dung tại điểm này.

Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm quy định về công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế. Theo quy định hiện nay, cơ quan quản lý thuế chỉ được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp người trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn; người nợ thuế vi phạm pháp luật về thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác; người nợ thuế không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý khi thực hiện công khai thông tin người nợ thuế, tránh bị người nộp thuế khiếu kiện, Bộ Tài chính đề xuất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điều 74 theo hướng minh bạch, rõ ràng, cơ quan thuế các cấp có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện công khai thông tin người nợ thuế.

Theo thông tin từ ngành thuế, tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31.12.2017 là 73.145 tỉ đồng; tiền nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 26.002 tỉ đồng. Trong năm 2017, toàn ngành đã thu nợ đọng được 44.773 tỉ đồng và đạt 89,9% số tiền nợ thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31.12.2016 chuyển sang năm 2017.

Ngành thuế cho biết năm 2018 sẽ phấn đấu để tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31.12.2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018. Ngànhcũng phấn đấu để số tiền thuế nợ tại thời điểm 31.12.2018 giảm tuyệt đối so với thời điểm 31.12.2017.

Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, đơn vị này sẽ xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31.12.2017. Theo đó, Tổng cục thuế sẽ áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế, chây ì nợ thuế, cố tình chiếm dụng thuế của ngân sách nhà nước.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
35 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất biện pháp cưỡng chế nợ thuế bằng việc cắt điện, nước