Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo về việc 7 hiệp hội có thư kiến nghị gửi Thủ tướng.

7 hiệp hội kiến nghị đến 3 Bộ, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết

Trí Lâm | 10/07/2018, 17:15

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo về việc 7 hiệp hội có thư kiến nghị gửi Thủ tướng.

Văn bản cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo Thủ tướng về Nghị định 09/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trước ngày 16.7.

Mới đây, bảy hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị 3 Bộ về những khó khăn trong thực hiện một số chính sách.

Cụ thể, 7 Hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã thống nhất gửi kiến nghị tới một số cơ quan về việc xem xét sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP; Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 24/2017/TT-BNPTNT, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 12/2017/TT-BKHCN.

Các hiệp hội đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng sửa đổi các văn bản này theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19 năm 2018 để ban hành ngay trong quý 3.2018 cho các doanh nghiệp thực hiện.

7 hiệp hội dẫn chứng Nghị quyết 19 được Thủ tướng ký ngày 15.5.2018 yêu cầu Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt; bãi bỏ quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

Đối với Bộ NN-PTNT, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại doanh nghiệp và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu tại Thông tư 26 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên.

Các hiệp hội cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BKHCN theo hướng giữ nguyên quyền đề nghị của doanh nghiệp để thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả thử nghiệm của cơ quan quản lý thị trường, mà trước đây đã được công nhận trong Thông tư 26/2012/TT-BKHCN.

Theo các hiệp hội, việc sửa đổi Thông tư 12 như trên cũng phù hợp với chỉ đạo của Nghị quyết 19 là yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ "đổi mới phương thức quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu".

Hiện tại các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các văn bản này. Để đóng góp ý kiến sửa đổi các văn bản này một cách nhanh chóng và hữu hiệu nhất, các hiệp hội bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc đối thoại với các cơ quan quản lý.

Trước đó, Nghị quyết 19 năm 2018 của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại doanh nghiệp và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên.

Cùng với đó, xem xét, sớm giải quyết khó khăn đối với doanh nghiệp như thủ tục kiểm dịch động vật hai giai đoạn, tại hai cấp của cơ quan thú y; khái niệm “sản phẩm động vật” tại Phụ lục 1 Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Phụ lục 22 Thông tư số 24/2017/TT-BNPTNT ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cho diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật quá rộng, quá mức cần thiết (chỉ nên kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế); tình trạng hai đơn vị cùng kiểm tra một lô hàng hoặc một đơn vị kiểm tra theo quy định của hai luật nhưng với hai thủ tục khác nhau, cấp hai giấy chứng nhận.

Còn Bộ Y tế được yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: (bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” tại điểm a Khoản 1 Điều 6; bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b Khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 hiệp hội kiến nghị đến 3 Bộ, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết