Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng bản thân kiến nghị “giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả các doanh nghiệp trong năm 2020” không chỉ tiếp nối phản ánh kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp mà còn có kỳ vọng đây sẽ là 1 chính sách “tạo động lực”, đặc biệt đối với nhóm 76% doanh nghiệp đang mất cân đối thu chi (theo khảo sát của Ban IV).
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ đối với những doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ như nghị quyết của Quốc hội. Điều này hiện đang gây nhiều ý kiến trai chiều trong dư luận.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV để làm rõ hơn vấn đề này.
Đề xuất này hiện gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Xin bà cho biết vì sao Ban IV lại đưa ra đề xuất này?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Từ đầu mùa dịch tới nay, nhóm nghiên cứu của Ban IV đã tiến hành 3 cuộc khảo sát diện rộng, phỏng vấn trực tiếp hàng nghìn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, ngành có thể thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh dịch, trên cơ sở đó chúng tôi cũng tổng hợp và phản ánh khách quan các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất lên Chính phủ để Chính phủ xem xét, cân nhắc và xây dựng các gói hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát lần 1, tháng 3.2020, 42.9% doanh nghiệp kiến nghị cho giảm, chậm nộp thuế TNDN, thuế VAT và các loại thuế khác.
Một số hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Giấy Việt Nam đã đưa ra các mức đề xuất cụ thể liên quan thuế TNDN như: Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2019, khoản thuế giảm này xem như 1 phần để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020 và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020, và giảm tối đa các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách nhà nước”.
Kiến nghị của các cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi tới Chính phủ thời điểm tháng 3 cũng nêu đề xuất “Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2019. Khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020; Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020, và giảm tối đa các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách nhà nước...”.
Tại cuộc khảo sát lần 3, tháng 8.2020 vừa qua, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đề nghị “Giảm 50% thuế TNDN năm 2019, 2020 và giảm tối đa các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2020 hoặc ít nhất trong giai đoạn nhà máy ngưng hoạt động vì dịch. Giảm thuế TNCN, tăng mức thu nhập chịu thuế và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đối với người lao động làm việc tại nhà máy sợi.”
Hiệp hội Hồ tiêu đề xuất Chính phủ căn cứ vào “nỗ lực đầu tư”, đặc biệt các lĩnh vực có yêu cầu cao về công nghệ, kĩ thuật là: “Xem xét lại việc áp mức thuế đối với doanh nghiệp chế biến và sơ chế: Các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc để tạo ra các sản phẩm đạt chứng nhận ISO, HACPP thì vẫn bị áp mức thuế 20% như cho các doanh nghiệp sơ chế trong khi việc chế biến ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp”.
Như bà nêu, kiến nghị giảm thuế này là từ các doanh nghiệp, các hiệp hội đề xuất? Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc hỗ trợ này là không hợp lý, không hiệu quả, bởi chỉ nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận mới có thể tiếp cận được hỗ trợ này, trong khi phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lợi nhuận âm, thậm chí phá sản. Bà nghĩ thế nào về vấn đề này?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Ngoài các phản ánh và đề nghị cụ thể từ doanh nghiệp, hiệp hội như nêu ở trên, tại lần khảo sát số 3 này, nhóm nghiên cứu chúng tôi hết sức phân vân và suy nghĩ về tình trạng “sụt giảm niềm tin” trong doanh nghiệp.
Như nhiều chuyên gia đã đề cập, dù Chính phủ đã rất nỗ lực, xây dựng ngay các gói hỗ trợ để chống suy thoái doanh nghiệp, tuy nhiên do lực mỏng, quy trình thủ tục còn phức tạp, dẫn tới hiệu quả của chính sách và quá trình thực thi chính sách lại chưa đạt kỳ vọng mong muốn. Điều này ảnh hưởng không hề nhỏ tới tâm lý, niềm tin và hơn hết là động lực trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì thế, chúng tôi đã mạnh dạn viết trong báo cáo gửi Thủ tướng là “đề xuất chính sách của Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp”.
Bản thân kiến nghị “giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả các doanh nghiệp trong năm 2020” không chỉ tiếp nối phản ánh kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp trong khảo sát từ lần 1 tới lần 3 mà còn có kỳ vọng đây sẽ là 1 chính sách “tạo động lực” nếu Chính phủ, Quốc hội xem xét, đặc biệt đối với nhóm 76% DN đang mất cân đối thu chi.
Nhóm hưởng lợi ở thời điểm hiện tại, theo kết quả khảo sát lần 3 và như các chuyên gia cũng đã nêu, chỉ chiếm tầm 2-3% tổng số, là các doanh nghiệp đang có “tăng trưởng dương”, nhưng với 76% doanh nghiệp hiện đang không cân đối được thu chi, nếu có động lực này, họ có thể coi đây là 1 “phần thưởng” để mà đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nỗ lực đầu tư thêm công nghệ, nghiên cứu phát triển, cơ cấu lại hoạt động... nhằm bứt phá và chuyển sang nhóm “tăng trưởng dương” để thụ hưởng chính sách của nhà nước. Điều đó sẽ sẽ mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế.
Đây là một quan điểm và cách tiếp cận chính sách từ góc độ nhóm nghiên cứu, căn cứ cả trên nhu cầu trực tiếp của doanh nghiệp, hiệp hội lẫn đánh giá của chúng tôi sau 3 lần khảo sát. Nhưng đề xuất của Ban IV gửi báo cáo Thủ tướng thì không chỉ một nội dung này mà bao gồm rất nhiều kiến nghị khác để Chính phủ xem xét đồng thời.
Nhóm vấn đề doanh nghiệp nhắc nhiều nhất lúc này và mong chính sách từ Chính phủ liên quan tới các dòng tiền doanh nghiệp phải chi ra, như tiền đóng các loại bảo hiểm, tiền kinh phí công đoàn, lãi vay ngân hàng, một số khoản thuế, phí trực tiếp khác...
Chúng tôi hoàn toàn đồng tình các ý kiến của nhiều chuyên gia rằng, cho dù Chính phủ quyết định theo hướng nào thì điều doanh nghiệp mong nhất là cơ chế đảm bảo thực thi để chính sách đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng đề xuất của Ban IV có dáng dấp của việc lobby chính sách cho quyền lợi của các doanh nghiệp lớn, bởi Quốc hội chỉ quyết định giảm thuế cho doanh nghiệp có doanh thu từ 200 tỉ đồng trở xuống. Bà có quan điểm thế nào về nhận định này?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Ý kiến phản biện cho rằng chúng tôi đang đề xuất chính sách làm lợi cho nhóm 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, trong 2% này chỉ có 12,75% là doanh nghiệp lớn, còn 77,5% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thực tâm, chính sách của chúng tôi không hướng tới nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúng tôi quan tâm tới nhóm 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi. Chúng tôi đã thảo luận rất kĩ rằng có nên đề xuất gì để tạo động lực cho nhóm này không, bởi cứ tiếp tục thế này thì chỉ 3 – 6 tháng nữa, số doanh nghiệp giải thể sẽ gia tăng do mất cân đối thu chi nghiêm trọng.
Chúng tôi thấy rằng việc đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp sẽ không làm nhóm 76% này hưởng lợi ngay nhưng đó sẽ là một “phần thưởng”, một động lực để họ nỗ lực kinh doanh, để họ vươn sang nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng. Nếu nhóm 76% làm được như vậy, họ sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt cho toàn nền kinh tế.
Trí Lâm thực hiện
Xin cảm ơn bà!