Qua khảo sát, tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dự kiến khoảng 9 tỉ USD, tương đương 214 nghìn tỉ đồng.

Đề xuất khoảng 214 nghìn tỉ đồng làm đường sắt đôi nối TP.HCM - Cần Thơ

H.Đ | 08/01/2023, 20:51

Qua khảo sát, tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dự kiến khoảng 9 tỉ USD, tương đương 214 nghìn tỉ đồng.

Ban Quản lý dự án đường sắt (Ban QLDA đường sắt) vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sau khi làm việc với 6 tỉnh, thành phố có dự án đi qua là: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ để nghiên cứu phương án.

Trước đó, Ban QLDA đường sắt được Bộ GTVT giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong nghiên cứu đã tiến hành rà soát các nghiên cứu trước đây, cập nhật, bổ sung làm rõ các nội dung theo yêu cầu. Đồng thời, đơn vị cũng đã tổ chức thảo luận xin ý kiến các địa phương, cơ quan liên quan.

Kết quả nghiên cứu thống nhất rằng việc đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai. Đồng thời đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư trên hành lang TP.HCM - Cần Thơ…

Hướng tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42 km. Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi (khổ 1,445 m điện khí hóa).

Qua khảo sát, tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9 tỉ USD, tương đương 214 nghìn tỉ đồng.

Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.

Tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190 km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190 km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120 km/h.

Về phương án tổ chức vận tải tàu khách và tàu hàng, Ban QLDA đường sắt kiến nghị tàu hàng sẽ được tổ chức từ Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM) đến ga An Bình và Cần Thơ; tàu khách được tổ chức từ Tân Kiên và ga Bình Triệu (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đến ga Cần Thơ; trong đó tổ chức một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). 

Về phương án đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đề xuất đầu tư dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ).

Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần vận tải đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt (của Nhà nước). Đề xuất thuê khai thác trong vòng 30 năm.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA đường sắt cho hay, việc bố trí ga đã được nghiên cứu kĩ lưỡng. Do tuyến đi qua địa bàn các đô thị lớn, đông dân cư nên phải tính toán phương án kết nối với các phương thức vận tải khác để đảm bảo hiệu quả khai thác tuyến.

Theo đó, các ga bố trí gần nhau chủ yếu tại hai đầu TP.HCM, Cần Thơ; Trên tuyến khoảng cách giữa hai ga xa hơn, để đảm bảo tốc độ chạy tàu, thời gian hành trình. Các ga cũng được phân định rõ ga khách, ga hàng.

“Tổng mức đầu tư được đề xuất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng mới là dự kiến ban đầu. Chi phí đầu tư phụ thuộc nhiều vào công nghệ được thống nhất lựa chọn nên sẽ phải điều chỉnh, cập nhật trong quá trình nghiên cứu kĩ hơn ở giai đoạn tiếp theo”, đại diện Ban QLDA đường sắt nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất khoảng 214 nghìn tỉ đồng làm đường sắt đôi nối TP.HCM - Cần Thơ