Đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận xuống còn 5 năm, từ năm 2023 hết năm 2027.

Đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng

Hoài Lam | 13/06/2023, 19:08

Đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận xuống còn 5 năm, từ năm 2023 hết năm 2027.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13.6, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường đã báo cáo xin rút ngắn thời gian thực hiện dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận xuống còn 5 năm, từ năm 2023 tới hết năm 2027.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho hay đa số ý kiến của ủy ban thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư dự án.

Về thời gian thực hiện, có ý kiến cho rằng thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027 là khá dài so với quy mô, tính chất, khối lượng đền bù, hỗ trợ tái định cư của dự án. Theo đó, nên điều chỉnh thời gian bắt đầu năm 2023 ngay khi nghị quyết được thông qua, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, cố gắng hoàn thành trong năm 2025 cho phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.

huy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy báo cáo

Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thấy rằng nếu được áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện theo trình tự, thủ tục nhóm A, được bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm theo quy định pháp luật về đầu tư công thì việc rút ngắn thời gian thực hiện dự án xuống còn 5 năm là phù hợp. Do đó, ủy ban xin Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 hết năm 2027 như tại khoản 5 điều 2 của dự thảo nghị quyết cho phù hợp với trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhóm A theo pháp luật về đầu tư công.

Về nguồn vốn thực hiện, có ý kiến đại biểu quốc hội còn băn khoăn với tính khả thi về khả năng cân đối nguồn ngân sách địa phương và đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí đủ nguồn lực để thực hiện dự án.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị bố trí toàn bộ ngân sách trung ương cho dự án với lý do đây là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và tổng nguồn vốn để thực hiện dự án không lớn.

Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết Thường trực Ủy ban thấy rằng đây là tuyến đường nội tỉnh, có ý nghĩa lịch sử, cách mạng, có vị trí quan trọng về quân sự, quốc phòng và chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Quốc hội đã ưu tiên dành 1.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để triển khai dự án.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết thí điểm áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa, trong đó có cơ chế về tài chính ngân sách để tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn phục vụ đầu tư phát triển.

“Việc bố trí như vậy vừa đảm bảo được khả năng huy động và bố trí ngân sách của địa phương cho dự án, vừa đảm bảo hài hòa và công bằng đối với các địa phương khác”, ông Huy nêu.

Về các cơ chế đặc thù cho dự án, có ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị cân nhắc việc Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề phát sinh của dự án trong thời gian Quốc hội không họp vì chưa được quy định trong Luật Đầu tư công. Nếu có ủy quyền thì chỉ nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh đối với tiêu chí để dự án trở thành dự án quan trọng quốc gia.

qh.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngày 13.6

Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thấy rằng dự án này có quy mô nhỏ, công trình cấp 3, tổng mức đầu tư không lớn nhưng lại thi công qua khu vực địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, điều kiện thời tiết không thuận lợi nên trong quá trình triển khai có thể phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh.

Vì vậy, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong thời gian Quốc hội không họp sẽ tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng