Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, việc mở lại dịch vụ ăn uống sẽ gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 10.9, Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM đánh giá, tình hình mở lại quán ăn đúng là có thấp so với thực tế số lượng.
Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hơn 7.500 doanh nghiệp và số hộ kinh doanh cá thể do quận, huyện cấp lên hàng chục ngàn hộ. “Việc tiếp cận thông tin từ 1- 2 doanh nghiệp, một số cửa hàng, đánh giá rằng tình hình chung cho toàn bộ hệ thống này, tôi nghĩ chưa chính xác”, ông Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, đa số thực phẩm nguyên liệu chính chủ yếu tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả... Còn lại đường, muối, nước mắm, dầu ăn… Tất cả các loại này, qua theo dõi không thiếu. Ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh và cho rằng cách vận hành theo văn bản 2994 rất rõ ràng, việc mở lại hoạt động phải an toàn và an toàn đến đâu mở đến đó. Có nghĩa các loại hình này trước mắt là hoạt động “3 tại chỗ” và chỉ bán mang về thông qua shipper. Do đó, người kinh doanh sẽ phải tính toán.
Thứ nhất, hoạt động “3 tại chỗ” có những khó khăn. Thứ 2, cách thức tiếp cận các nguồn nguyên liệu cũng khác, trước đây có các nhà cung cấp thường xuyên, chỉ cần điện thoại là mang hàng hóa tới, còn bây giờ đặt hàng qua một đối tượng khác. Chưa kể, đặt hàng như vậy, người mua hàng có thể nhận sản phẩm không vừa ý, các quán ăn, đầu bếp đang gặp khó khăn nên rất cân nhắc.
Bên cạnh đó, khách hàng, người dân không được trực tiếp ra đường, việc mua chỉ có thể thông qua shipper. Trong khi shipper chỉ có thể hoạt động trong địa bàn một quận, huyện. Có nghĩa là các quán ăn chỉ phục vụ trong phạm vi quận, huyện. Người kinh doanh cũng tính toán khó có được số lượng khác lớn như trước đây nên cân nhắc có mở lại hay không. Đó là lý do các quán ăn hiện nay chưa mở lại rộng rãi.
Về kế hoạch xây dựng phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế tại TP.HCM giai đoạn từ sau ngày 15.9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP cho biết, TP.HCM đã thành lập 4 tổ công tác về phòng chống dịch, an sinh xã hội, phục hồi kinh tế và thúc đẩy các dự án đầu tư. Hiện nay 4 tổ công tác đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, kịch bản theo 2 giai đoạn. Quá trình xây dựng kế hoạch, tổ công tác lấy ý kiến sở ngành liên quan, cơ quan đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hưu trí… Sau đó sẽ hoàn chỉnh và TP.HCM ban hành chính thức.
Tại đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, còn thời gian 6 ngày bước vào thời điểm 15.9, thời điểm thành phố thực hiện mục tiêu kiểm soát được dịch COVID-19 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Do đó, từng quận, huyện phải kiểm tra, phúc tra, rà soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc mục tiêu đề ra. Không phải vì sát ngày 15.9 rồi mà lơ là, buông lỏng, chủ quan; ngược lại, cần tiếp tục giữ vững, thực hiện nghiêm túc các biện pháp để đạt kết quả tốt.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng lưu ý, thời điểm đó, không phải là TP.HCM chấm dứt hoàn toàn dịch COVID-19 trở về con số 0, mà là có sự kiểm soát tốt, ngăn ngừa lây lan, phòng ngừa tốt. Đảng bộ, chính quyền các cấp luôn vẫn lấy dân làm trung tâm, sức khỏe của dân, cuộc sống của dân là trung tâm. Các cấp các ngành từ TP đến phường xã cần thực hiện đúng vấn đề này.