Sau khi Thủ tướng đồng ý triển khai trên toàn quốc, dịch vụ "tiền di động" (Mobile Money) dự kiến sẽ mở ra cơ hội lớn cho dân ta trong việc thanh toán không dùng tiền mặt cả những giao dịch nhỏ như mua gói mì tôm, cốc trà đá...

Điện thoại 'cục gạch' sắp chuyển được tiền, uống trà đá không cần trả tiền mặt

11/05/2020, 17:17

Sau khi Thủ tướng đồng ý triển khai trên toàn quốc, dịch vụ "tiền di động" (Mobile Money) dự kiến sẽ mở ra cơ hội lớn cho dân ta trong việc thanh toán không dùng tiền mặt cả những giao dịch nhỏ như mua gói mì tôm, cốc trà đá...

Dịch vụ Mobile Money mang đến cơ hội lớn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: Internet

Mobile Money được hiểu là người dùng điện thoại di động để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa. Là một phần của thanh toán điện tử, song Mobile Money khác với ví điện tử ở chỗ người dùng không cần tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán.

Từ sau khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có nhiều động thái thúc đẩy để đưa dịch vụ tiền di động, một loại phương thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ.

Tại cuộc họp thường trực chính phủ tháng 4, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước sớm đưa dịch vụ "tiền di động" đi vào hoạt động nhằm giảm giao tiếp xã hội.

Tại Hội nghị Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp ngày 9.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo thông tin của Bộ Thông tin - Truyền Thông, mặc dù "tiền di động" được triển khai chậm hơn dự kiến nhưng sẽ cố gắng triển khai trong tháng 6 tới. Thủ tướng đã đồng ý cho phép triển khai trên toàn quốc.

Cơ hội thanh toán không dùng tiền mặt

Báo cáo của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết về bản chất Mobile Money tương tự như ví điện tử, nhưng khác so với Mobile Banking ở chỗ Mobile banking là công cụ của ngân hàng, kết nối với tài khoản khách hàng để thực hiện các dịch vụ truyền thống như gửi tiền, cho vay, thanh toán... Trong khi đó, Mobile money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ.

Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao. Mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 45% dân số năm 2019.

Việt Nam được cho là còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tháng 11.2019, Ngân hàng Nhà nước cho biết Việt Nam có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng. Các doanh nghiệp viễn thông cho biết sẽ vươn tới các vùng sâu vùng xa và đưa các dịch vụ tài chính tiếp cận người dân.

Theo đó, dịch vụ tiền di động sẽ mang đến một cơ hội lớn trong việc thanh toán cho toàn người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có tài khoản ngân hàng. Các nhà mạng cho biết những người không có tài khoản ngân hàng có thể dùng điện thoại để thanh toán những giao dịch nhỏ từ 2.000, 3.000 đồng... như mua cốc trà đá hay gói mì tôm... cho đến những giao dịch lớn hơn trị giá dưới 10 triệu đồng.

Đáng chú ý, không chỉ các thuê bao di động điện thoại smartphone 3G/4G, người dùng các loại điện thoại thường khác, hay còn gọi là điện thoại "cục gạch" với sóng 2G vẫn có thể tiếp cận được dịch vụ tiền di động để chuyển tiền và thanh toán các giao dịch. Trong 130 triệu thuê bao di động hiện nay, thuê bao 2G chiếm khoảng 40 - 50%.

Thách thức bảo mật

Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Báo cáo của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, việc giám sát và quản lý Mobile Money cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an... Nếu việc định danh khách hàng, quản lý sim rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ thì Mobile Money có thể là kênh để "rửa giao dịch", từ đó ảnh hưởng đến công tác phòng, chống rửa tiền.

Mặt khác, mạng lưới đại lý phát triển cũng tiềm ẩn rủi ro về trình độ nhận thức, phát sinh trường hợp thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng, thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền... Việt Nam còn cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiền di động. Bên cạnh đó, thách thức còn là phần lớn người dân Việt Nam vẫn có thói quen thanh toán dùng tiền mặt và không thể thay đổi ngay được.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc áp dụng tiền di động sẽ phải vượt qua một số thách thức về việc bảo mật thông tin như: làm lộ bí mật, mở tài khoản thanh toán mạo danh; cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán; thực hiện giao dịch khống (giao dịch hàng hóa, dịch vụ không phát sinh); sử dụng tài khoản vào mục đích đánh bạc, lừa đảo, gian lận, giả mạo, rửa tiền, tài trợ khủng bố, kinh doanh trái pháp luật hoặc các hành vi phạm pháp khác.

Do đó, LS Trương Thanh Đức cho rằng người sử dụng tiền di động phải mở tài khoản điện thoại di động với tên tuổi, địa chỉ, căn cước rõ ràng, chính xác theo quy định về quản lý điện thoại di động thì mới bảo vệ được quyền lợi khi xảy ra rủi ro.

Ngoài ra, cần xác định nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải là một tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán hoàn toàn mới hoặc ít nhất cũng là một đơn vị trung gian thanh toán đặc biệt. Mặt khác, cần phải xác định mức giá trị thanh toán hợp lý để bảo đảm sự an toàn cho cả người bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và khách hàng.

Hiện dịch vụ Mobile Money đã có mặt tại hơn 90 quốc gia với gần 870 triệu tài khoản đăng ký, 272 ứng dụng, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỉ USD. Tại châu Á, cụ thể Thái Lan và Ấn Độ, dịch vụ này cũng đang phát triển nhanh với một nửa hoặc 2/3 người lớn có tài khoản mobile.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, VNPT... cũng cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và sẵn sàng cung ứng ngay dịch vụ Mobile Money nếu được cấp phép.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
1 giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện thoại 'cục gạch' sắp chuyển được tiền, uống trà đá không cần trả tiền mặt