Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nếu chẳng may người bệnh hen suyễn đi tái khám định kỳ bị mắc COVID-19 thì nguy hiểm vô cùng đến tính mạng.

Điều trị bệnh hen suyễn trong lúc dịch COVID-19 như thế nào để hiệu quả?

Hồ Quang | 22/05/2021, 17:19

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nếu chẳng may người bệnh hen suyễn đi tái khám định kỳ bị mắc COVID-19 thì nguy hiểm vô cùng đến tính mạng.

Bị hen suyễn phải điều trị lâu dài, định kỳ

Theo PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan (Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), người bị bệnh hen suyễn phải điều trị lâu dài, tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu không sẽ có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tế cho thấy, nhiều người bệnh hen suyễn “lười” đến bệnh viện khám định kỳ, tự dùng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen suyễn cấp khiến không ít trường hợp phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

dieu-tri-benh-hen-suyen-trong-mua-dich-benh-covid-19-nhu-the0nao-hieu-qua-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân bị hen suyễn đến khám tại Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: N.P

"Hen suyễn là bệnh mạn tính cần phải điều trị lâu dài, người bệnh cần tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các toa thuốc của người bệnh thường được cá thể hóa, mỗi người bệnh với mỗi triệu chứng, yếu tố nguy cơ khác nhau sẽ được chỉ định toa thuốc khác nhau. Do đó, người bệnh không nên dùng thuốc của người khác để điều trị cho bản thân”, BS Lan nói.

Bà Lan cho rằng việc sử dụng thuốc chiếm 50% tỷ lệ thành công trong việc kiểm soát bệnh, 50% còn lại phụ thuộc vào việc người bệnh và người nhà người bệnh chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Nếu người bệnh dị ứng sầu riêng, ăn phải một miếng bánh có sầu riêng cũng có thể dẫn tới nguy cơ tử vong. Người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc, hoặc sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Điều này có thể gây ra việc sốc phản vệ và dẫn tới tử vong trong thời gian rất ngắn.

“Người bị hen suyễn cần phải tuân thủ các biện pháp chung trong việc phòng bệnh hen suyễn, nhất là không để các chất có mùi lạ trong nhà, không dùng mền gối bằng lông. Khi ra ngoài trời, nên quấn khăn che mũi và che miệng, nhất là khi thời tiết lạnh để sưởi ấm không khí trước khi vào đường hô hấp. Tránh dùng các thực phẩm hay thuốc uống có gốc sunfit (thường có trong rượu, bia và các thực phẩm cần bảo quản lâu). Người bệnh không nên hút thuốc hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá. Đặc biệt, cần tái khám đúng lịch và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm”, BS Lan khuyến cáo.

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phải làm sao?

Tuy nhiên, theo bà Lan, thời điểm này dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người bị hen suyễn nếu chẳng may nhiễm COVID-19 sẽ dễ diễn tiến nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, người bệnh nên hạn chế khả năng bị lây nhiễm COVID-19 bằng cách tuân thủ các khuyến cáo chung của Bộ Y tế, đồng thời chủ động kiểm soát tốt bệnh.

Theo bà Lan, muốn kiểm soát tốt bệnh hen suyễn trong điều kiện phải hạn chế lây nhiễm COVID-19 để không khỏi nguy hiểm đến tính mạng, bệnh nhân hen suyễn cần dùng thuốc kiểm soát hen (còn gọi là thuốc dự phòng), thuốc cắt cơn hen đúng theo hướng dẫn của bác sĩ; ghi lại số điện thoại liên lạc của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, cơ sở y tế mà mình đã từng được cung cấp để liên hệ khi cần.

Khi các triệu chứng trở nặng, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh cần đi khám bệnh, tuân thủ các công tác sàng lọc, kiểm soát nhiễm khuẩn mà cơ sở y tế đang áp dụng.

Trong trường hợp không thể khám bệnh, người bệnh không được tự ý ngưng điều trị mà cần liên lạc nhân viên y tế để được hướng dẫn.

Nếu không thể liên lạc được với nhân viên y tế, các thuốc hen suyễn được kê toa dùng hằng ngày phải được tiếp tục dùng cho đến khi liên lạc được và không được ngưng điều trị đột ngột dù cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng lâm sàng điển hình của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bệnh hen suyễn chỉ khó thở đơn thuần hoặc có người bệnh chỉ lên cơn suyễn khi giao mùa. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh suyễn rất đa dạng và rất khó để phát hiện nếu không có các xét nghiệm chuyên sâu.

Nguồn gốc sinh ra bệnh hen suyễn là mối tương tác giữa di truyền và môi trường sống. Nếu một đứa bé sinh ra có bố hoặc mẹ bị hen suyễn thì nguy cơ bị hen suyễn rất lớn. Ngoài ra, người sống trong môi trường quá ô nhiễm, hít phải các chất độc hại, các hạt bụi mịn; môi trường có nhiều hóa chất, khói thuốc lá; dùng kháng sinh hoặc kháng viêm quá sớm trong những năm đầu đời thì cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh hen suyễn.

Triệu chứng ho của bệnh hen suyễn rất dễ nhầm lẫn với bệnh lao. Do đó để chẩn đoán bệnh chính xác, người bệnh cần phải chụp lao phổi để loại trừ bệnh lý này. Điều quan trọng là người bệnh cần làm một phương pháp rất cơ bản là hô hấp ký (dành cho người bệnh từ 5 tuổi trở lên, và phương pháp hô hấp xung ký cho người từ 2 tuổi trở lên) để được bác sĩ đánh giá, chẩn đoán kịp thời.

Đối với người bệnh hen suyễn, việc phòng tránh và ngăn ngừa lên cơn hen suyễn cấp là vấn đề cần được quan tâm hơn cả. Yếu tố dễ dẫn đến cơn suyễn cấp là do thay đổi thời tiết. Việc nuôi thú cưng như mèo, chó cũng là một nguy cơ cho người bệnh hen suyễn khi dễ hít phải lông của chúng. Bên cạnh đó, việc dùng nước hoa, nước xả vải hoặc các chất tạo ra mùi thơm cũng là tác nhân gây gia tăng số cơn hen suyễn cấp của người bệnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều trị bệnh hen suyễn trong lúc dịch COVID-19 như thế nào để hiệu quả?