Với sự phù phép của nhà đạo diễn họ Lại, với sự hùng hậu về kỹ thuật và tiền bạc của nhà đài, VTV đã thực sự viết một cuốn tiểu thuyết với những tình tiết, tình huống quan trọng nhất được hư cấu để tạo ra hiệu ứng nghệ thuật muốn có.

Điều ước thứ 7 trên VTV: Truyền hình hay viết tiểu thuyết?

Một Thế Giới | 18/01/2015, 13:29

Với sự phù phép của nhà đạo diễn họ Lại, với sự hùng hậu về kỹ thuật và tiền bạc của nhà đài, VTV đã thực sự viết một cuốn tiểu thuyết với những tình tiết, tình huống quan trọng nhất được hư cấu để tạo ra hiệu ứng nghệ thuật muốn có.

Một chuyện thường tình với những con người thường tình bỗng nhiên ầm ĩ. Có chàng trai ngư dân quê Thanh Hóa, hát hay, ngoại hình dễ thương, đã có vợ và hai con. Trong những ngày ngư nhàn, chàng từ biệt vợ hiền, con nhỏ đi hát rong kiếm tiền cải thiện cuộc sống. Chàng trôi dạt vào xứ Nghệ, gặp một cô gái mù khá xinh, cũng có giọng hát hay và có hồn của người khiếm thị. Họ cùng nhau đi hát kiếm tiền và theo như cô gái cho biết, tuần nào chàng cũng về Thanh một lần thăm vợ con, và hễ có tiền là chàng gửi bưu diện chuyển về cho vợ.

Lửa gần rơm hay tình yêu sét đánh đã khiến chàng và cô gái mù cặp với nhau, được  họ hàng cô gái công nhận hai người là vợ chồng. Tất nhiên chàng trai phải giấu biệt chuyện mình đã là ông bố hai con và nói dối về những chuyện khác để trôi cái lễ cưới đơn giản. Chàng yêu cô gái thật lòng với tình yêu sét đánh liên tài, cùng hoàn cảnh hay chàng cố tình lừa cô gái để “vui vẻ qua ngày” và thuận tiện cho việc hát rong kiếm tiền nuôi vợ con ở quê?
Điều ấy chúng ta không biết và chỉ có chàng biết. Còn cô gái mù đáng thương thì tràn trề hạnh phúc. Cô đã gặp người cô yêu, đã được làm mẹ, tuy số phận bất hạnh nhưng cô đã có chồng, có hạnh phúc gia đình như ai. Bé Sao Mai là kết quả mối nhân duyên và chàng trai “trung thành với cả hai” này được gia đình cô gái mù khen ngợi vì chàng biết đối xử tốt với mọi người. Và tất nhiên bà vợ chính thất thì không hay biết gì (hay có biết mà làm ngơ?) vẫn coi chàng là người chồng mẫu mực.

Nếu câu chuyện chỉ có thế, nếu cuộc tình ngoài luồng của chàng trai không bị vỡ lỡ thì cũng chẳng ai quan tâm mà chẳng ai khen hay chê trách. Chuyện ấy thời nay ( và cả thời xưa) vợ nọ con kia tuy bị pháp luật ngăn cấm mà vẫn đầy rẫy trên báo chí.

Nhưng đài truyền hình quốc gia VTV đã không để cho câu chuyện “ăn vụng ngoài luồng” của chàng trai được yên ổn. VTV trong điều ước thứ 7 đã biến hóa chàng trai ngư phủ quê mùa thành một sinh viên thanh nhạc tốt nghiệp, đẹp trai ( vì được make-up ), tiền đồ sáng rỡ. Chàng yêu cô gái mù và đến với cô, bỏ ngoài tai những lời răn đe của bố mẹ, bạn bè, hy sinh luôn cả tiền đồ. Cô gái cũng được hóa thân thành cô Lọ Lem may mắn gặp hoàng tử của đời mình.
Lòng dũng cảm, liều mình vì tình yêu, chấp nhận rủi ro và khó khăn trong cuộc sống tương lai đầy tính cứu rỗi mang chất liệu của một cuốn tiểu thuyết thật mũi mẫn nhưng rẻ tiền vì đã quá nhàm. Nhưng nếu làm cho người ta tin chuyện ấy là có thật trong đời thì nó có thể lấy được nhiều nước mắt của người xem và tất nhiên, có thêm được nhiều quảng cáo.
Với sự phù phép của nhà đạo diễn họ Lại, với sự hùng hậu về kỹ thuật và tiền bạc của nhà đài, VTV đã thực sự viết một cuốn tiểu thuyết với những tình tiết, tình huống quan trọng nhất được hư cấu để tạo ra hiệu ứng nghệ thuật muốn có.
Nếu làm được như thế nghĩa là, nói thật với khán giả clip này chỉ là hư cấu nghệ thuật thì cũng được đi. Biết đâu lại khởi đầu một hình thức mới của truyền hình, ta tạm gọi là truyền hình hư cấu và hãy cho nó cái tên tiếng Anh như fiction-television chẳng hạn cho nó oai và dễ đăng ký bản quyền quốc tế.
Nhưng khốn nỗi, VTV lại không đăng ký sáng tạo của mình như thế mà cho khán giả biết câu chuyện tình như mơ như mộng này là có thật “một trăm phần trăm”! Điều lạ là, VTV vẫn phát sóng tuy đã rành rẽ mọi thứ của tổ con chuồn chuồn!
Bởi lẽ, nếu nói là hư cấu thì đó là cuốn tiểu thuyết tình ba xu, nó tầm thường đến mức chẳng làm ai muốn xem chứ nói gì rơi nước mắt. Thành ra phải biến giả thành thật! Nghĩa là, hoàn toàn không có chàng sinh viên thanh nhạc nào hết! Cũng chẳng hề có chàng trai tân nào yêu và muốn gắn bó, cứu vớt một cô gái mù đang tuyệt vọng vì tình yêu trong sáng, chân thành!
Chỉ có bé Sao Mai là có thật. Cháu đã ra đời trong cuộc tình ngang trái, đang đưa lại hạnh phúc cho người mẹ kém may mắn của mình, đơn giản thế thôi!
Khi làm phim truyện, tình tiết, cốt truyện có thể nhưng không ai hư cấu được một con người để quay phim tin tức thời sự hay cái gọi là truyền hình thực tế. Truyền hình vẫn luôn phải là truyền hình. Phim là phim. Tiểu thuyết là tiểu thuyết. Lầm lẫn điều đó, cũng như nhầm cái khăn piêu của người Thái thành cái khố che thân, đối với một đài truyền hình quốc gia là điều không hiểu được.
VTV đã xin lỗi. Đây không phải là tai nạn. Đây là một việc làm có chủ ý nếu thành tiền lệ thì có lẽ người xem có thể nghi ngờ cả bản tin thời tiết hàng ngày. Chúng ta thông cảm cho VTV nhưng chúng ta chưa thỏa mãn vì vụ việc vẫn còn quá nhiều bí ẩn, không thể à uôm cho qua. Cần cho khán giả biết tường tận vì sao cơ sự lại nên nỗi như thế chứ không chỉ là những lời xin lỗi sướt mướt mà thôi.
Hoa Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều ước thứ 7 trên VTV: Truyền hình hay viết tiểu thuyết?