Bộ KH-ĐT dự báo nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, có nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.

DN có thể bị thâu tóm với giá rẻ khi gặp khó trong dịch COVID-19

10/04/2020, 10:43

Bộ KH-ĐT dự báo nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, có nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.

DN có thể bị thâu tóm với giá rẻ do đại dịch COVID-19 - Ảnh: minh họa

Cần biến nguy thành cơ

Sáng 10.4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Theo Thủ tướng, các chuyên gia đã cảnh báo thế giới khó tránh khỏi suy thoái toàn cầu, năm 2020 tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo âm (-) 1,9%. Cùng với đó, thị trường chứng khoán sụt giảm nhanh chưa từng thấy trong lịch sử.

So sánh với cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, lần này thế giới khó khăn hơn nhiều. Các nước trên thế giới đều đưa ra gói kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên thế giới đồng loạt đưa ra gói kích thích kinh tế mạnh như vậy.

Cho rằng một số ngành thế mạnh có mức tăng trưởng thấp như nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ, hàng không, du lịch giảm tới 95-98%..., Thủ tướng nhận định, những vấn đề này là vô cùng cấp bách.

“Nếu không có biện pháp duy trì ổn định xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sẽ gây bất ổn xã hội. "Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, phát triển âm", Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh về nội dung hội nghị hôm nay là "4 trong 1, tất cả trong 1", Thủ tướng yêu cầu huy động tất cả nguồn lực trong nước, tinh thần quật cường để vượt khó, vươn lên, làm sao "biến nguy thành cơ", để nền kinh tế tăng tốc, bù đắp tổn thất kinh tế vừa qua, vì một Việt Nam tự cường và thịnh vượng.

Khẳng định lại trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ chùn bước trước khó khăn, Thủ tướng nhắc đến thuyết tiến hóa của Darwin, đó là trong môi trường liên tục thay đổi, không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót mà loài thay đổi, thích ứng tốt nhất sẽ sống sót. Do đó, yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra với hội nghị là đưa ra cơ chế chính sách mạnh mẽ, đúng và trúng, thúc đẩy như chiếc lò xo nén bật ra. Sản phẩm của chúng ta là Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

Về tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, có 2 gói kích thích là gói tín dụng lên đến 300.000 tỉ đồng, với quyết tâm không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp trả nợ ngay, tiếp tục giảm lãi suất cho vay… "Ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn", Thủ tướng nói và yêu cầu các cấp liên quan điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng… nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiệm vụ này không chỉ riêng ngành ngân hàng mà còn là trách nhiệm của các địa phương, các ngành quan trọng, cần tập trung chính sách kích cầu nội địa.

Thủ tướng cho biết gói hoãn giảm thuế trị giá 180.000 tỉ đồng sẽ giúp 98% doanh nghiệp được hưởng lợi. "Tôi yêu cầu Bộ Tài chính bố trí nguồn cho phòng chống dịch, phát triển kinh tế xã hội", Thủ tướng nói và cho rằng công tác chỉ đạo điều hành phải thay đổi quyết liệt hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cắt giảm thủ tục để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh.

Thủ tướng cũng nêu kỳ vọng Việt Nam sẽ tận dụng tốt những cơ hội sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định EVFTA.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu phải giải ngân hết vốn đầu tư công của năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020 tương đương gần 700.000 tỉ đồng (30 tỉ USD).

Nguy cơ DN Việt bị thâu tóm

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy đại dịch toàn cầu đã khiến doanh nghiệp đang phải gồng mình vượt qua giai đoạn khó khăn này, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát về tình hình doanh nghiệp bị tác động bởi dịch, phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát đều ước tính doanh thu giảm mạnh so với năm 2019 (từ 40-50%) do ảnh hưởng giảm mạnh cả về đầu vào (nguồn cung nguyên liệu) và đầu ra (số lượng đơn hàng), trong khi đó gánh nặng chi phí ngày càng tăng, dẫn đến dự kiến cắt giảm mạnh lao động trong năm.

Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn: 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng; 13% có khả năng cầm cự trong 1 năm; và 14% có khả năng cầm cự trên 1 năm.

Theo Bộ KH-ĐT, trong khi doanh thu bị giảm nặng nề, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang sử dụng nhiều lao động, vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí lớn. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, các nhà máy sản xuất bắt đầu cho cắt giảm lao động hoặc nghỉ luân phiên. Tình trạng doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, giải thể, phá sản rất cao. Thực tế đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp phải rao bán.

Bộ KH-ĐT dự báo nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ. Đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có khả năng tạo nền tảng cho sản xuất kinh doanh của một số ngành kinh tế quan trọng.

Bộ KH-ĐT cũng lo ngại trong thời gian tới, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thể còn nghiêm trọng hơn do khả năng cầm cự của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do dịch COVID-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Theo ước tính sơ bộ, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 3 năm 2020 giảm 43,9% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi tháng 3.2019 tăng 123% so với cùng kỳ).

Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Những tác động này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể dẫn tới các vấn đề xã hội khác.

Lam Thanh

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
DN có thể bị thâu tóm với giá rẻ khi gặp khó trong dịch COVID-19