Trước những bất cập về chính sách thuế giúp 10 thương nhân đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.375 tỉ đồng, đại diện Bộ Tài chính lại tiết lộ chưa có phương án nào tốt hơn phương án thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong điều hành giá xăng dầu hiện nay.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất ổn trong điều hành, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016. Trong đó, bất cập lớn nhất chính là việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở. Cách tính trênđược cho là giải pháp tình thế của Bộ Tài chính trong bối cảnh thuế xăng dầu từ khu vực ASEAN là 10%, thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là 20%.
Cách áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi của Bộ Tài chính được Kiểm toán Nhà nước cho là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Cụ thể, nhờ chênh lệch này mà 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi hơn 3.375 tỉ đồng. Năm 2016, từ kỳ điều hành 21.3, giá cơ sở được áp dụng thuế bình quân gia quyền dù có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế, vì 10 thương nhân đầu mối, trong năm 2016 vẫn chênh lệch hơn 1.433 tỉ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết hiện nay cơ sở để tính thuế nhập khẩu trong cơ cấu giá xăng dầu vẫn lấy theo thuế nhập khẩu bình quân gia quyền. Tại kỳ điều hành gần đây nhất, trên cơ sở thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, nếu trong trường hợp thấp hơn mức thuế nhập khẩu thấp nhất của một trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì sẽ lấy mức thuế thấp nhất đó.
Hiện nay, Việt Nam đang có 10 FTA, trong đó thuế suất mặt hàng xăng dầu là khác nhau, do đó Thứ trưởng Mai cho biết hiện nay vẫn chưa có phương án nào tốt hơn phương án thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong điều hành giá xăng dầu. Trước đó,Bộ Tài chính nhiều lần đều khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất. Cách tính này giải quyết hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện nay số lượng các mối cung cấp xăng dầu ngày càng tăng lên. Nếu như trước đây chủ yếu là Petrolimex thì hiện nay con số này đã tăng lên 29 đầu mối trực tiếp nhập khẩu xăng dầu và con số này sẽ tiếp tục tăng.
Bộ Công Thương từng cho rằng phương pháp tính thuế bình quân gia quyền của Bộ Tài chính chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành của Nghị định 83, chưa đúng diễn biến giá thế giới và có thể ngược chiều với giá thế giới. Ngoài ra, cách tính này gây dư luận là việc điều hành thiếu tính công khai, minh bạch và số liệu cụ thể để tính toán mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát. Đặc biệt, cách tính này cũng chưa giải quyết hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Thời gian qua, thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với xăng dầu từng gây nhiều tranh cãi kể từ khi nó xuất hiện. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng đề xuất hạ thuế nhập khẩu xăng xuống mức thấp nhất theo cam kết ưu đãi đặc biệt với Hàn Quốc là 10% thay vì tính theo sản lượng nhập bình quân của 2 mức thuế 10% và 20% như hiện nay.
Tuyết Nhung